Rau dền là một loại món ăn ngon, mát có tác dụng giải nhiệt thường dùng trong bữa ăn của người Việt Nam. Rau dền chứa nhiều khoáng chất, dinh dưỡng và các vitamin. Tuy nhiên, cũng giống như những món ăn khác, bạn nên có cách thưởng thức, chế biến và bảo quản đúng cách để tránh những trường hợp xảy ra ngoài ý muốn.
Contents
Rau Dền có mấy loại?
Rau dền có 3 loại khác nhau: rau dền gai, rau dền đỏ và rau dền cơm. Rau dền đỏ và rau dền cơm được xếp chung thành loại rau dền không có gai, vì trên thân mình không có gai; khác với rau dền gai, loại dền gai có gai mọc ra khắp thân cây.
Rau dền cơm là gì?
Rau dền cơm có màu xanh trắng rất đẹp và có hoa tụ lại ở trên ngọn như những núm cơm nhỏ; còn rau dền đỏ có màu đỏ – đỏ rực hoặc đỏ tía – và chúng không có những núm cơm như dền trắng.
Phân bổ và thu hái rau dền cơm?
Rau dền cơm được trồng nhiều ở Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Hy Lạp và một vài quốc gia châu Phi. Ở nước ta, loại rau này được trồng để làm rau ăn. Phần để ăn là ngọn non, lá non, thân non và cả cây non (bỏ rễ). Phần làm thuốc trong các bài thuốc cổ truyền là thân cây và củ rễ, vì 2 phần này chứa nhiều chất tốt và hoạt hóa cơ thể.
Rau dền cơm cùng với rau dền đỏ được gọi chung là loại “rau trường thọ”. Vì loại rau này rất bổ, có lẽ công dụng này đứng đầu bảng trong các nhóm rau, giàu vitamin và khoáng chất nhất so với các loại rau khác, đồng thời nó cũng giàu chất đạm tương đối. Tên trường thọ cũng thích hợp bởi nó còn chứa đựng trong mình các hoạt chất sinh học vô cùng quý giá, giúp loại bỏ và ngăn ngừa các bệnh mãn tính, bệnh ác tính và bệnh làm giảm tuổi thọ của con người.
Dinh dưỡng trong rau dền cơm?
Theo các nghiên cứu về mặt dinh dưỡng học, rau dền cơm có nhiều chất dinh dưỡng đáng quan tâm. Đương nhiên hai thành phần dinh dưỡng quan trọng đó là nước và chất xơ luôn chiếm tỉ trọng lớn (nước chiếm 88%), rau dền cơm còn có nhiều chất canxi, kali, kẽm, đồng, sắt, photpho và magiê. Rau dền cơm cũng chứa nhiều vitamin như: tiền vitamin A, B1, B3, C. Hàm lượng protein trong rau dền cơm chiếm 2,11% toàn bộ phần ăn được, tương đối cao với các loại rau thực vật. Hoạt chất chống oxy hóa trong rau dền cơm có hoạt độ gần 30 (theo thang độ IC50-thang đo hoạt độ chống oxy hóa). Các nghiên cứu đã kết luận rau dền cơm là loại rau giàu protein, chất xơ, carbohydrat, năng lượng và khoáng chất.
Tính vị trong đông y?
Về mặt y học cổ truyền, rau dền cơm có vị ngọt, tính mát. Ăn rau dền nên ăn cả thân, nếu ăn mà bỏ phần thân đi thì coi như uổng phí. Rau dền cơm có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, làm mát huyết, ngưng kiết lỵ, ngừng chảy máu chủ trị bệnh nóng trong, bệnh do nắng nóng gây ra, bệnh tiểu tiện không thông, bệnh chảy máu cam.
Công dụng rau dền cơm?
Theo một số tài liệu nghiên cứu mới, lá và cây non trước khi nở hoa có tác dụng lợi tiểu, nhuận tràng, tống đẩy phân ra khỏi ruột, được sử dụng dưới dạng bào chế mới là bột trị viêm nhiễm, áp-xe, bệnh lậu, bệnh lỵ, bệnh nhiễm giun sán đường ruột (nhất là giun chỉ, giun kim), bệnh viêm tinh hoàn, bệnh trĩ. Tại Nigeria, rau dền cơm còn được bào chế thành dịch truyền (sử dụng công nghệ cao) truyền vào máu có tác dụng thanh lọc máu. Một số trung tâm nghiên cứu dược hiện đại còn bào chế thành dạng kem từ rau dền cơm để điều trị viêm nhiễm ở mắt. Một số nơi còn bào chế thuốc để điều trị động kinh và chứng co giật do một số nguyên nhân khác nhau ở trẻ em bao gồm co giật sốt cao, động kinh, thiếu canxi. Một số trung tâm khác còn cho thấy lá rau dền cơm còn có tính năng của thuốc hạ nhiệt, giảm sốt, vì thế mà được dùng như một loại thuốc, một loại rau ăn giúp hỗ trợ điều trị sốt cao. Do rau dền cơm có nhiều kali nên phần tro của loại rau này còn được sử dụng để sản xuất thành nước khoáng uống, nước có ga.
Chữa tiểu tiện không thông:
Vì rau dền có tác dụng làm lợi tiểu, hóa thấp, tiêu phù thũng nên rất có lợi trong các trường hợp, bí tiểu, nước vào ra không cân bằng. Nước uống vào được nhưng không ra được đều đặn đó là chứng bệnh tiểu tiện không thông. Dạng triệu chứng tiểu tiện không thông có nhiều bệnh lý khác nhau như: viêm đường tiết niệu khiến cho đái buốt, đái rắt mà thành ra đi tiểu không thông suốt; mắc sỏi thận khiến cho tiểu không ra, nước không trôi làm tiểu tiện bị đình trệ. Hơn thế nữa, rau dền cơm còn được chứng minh là làm phương hại tới vi khuẩn E.coli, loại vi khuẩn thường xuyên gặp trong viêm đường tiết niệu nên công dụng này thật hữu ích. Chỉ cần chịu khó ăn rau dền cơm thường xuyên, mỗi ngày chừng 100 – 300g rau, là đã có thể tác động vào đường tiết niệu. Cùng công dụng như này nhưng rau dền đỏ tía còn công hiệu hơn nữa.
Chữa kiết lỵ, nhiễm ký sinh trùng đường ruột:
Vì rau dền là loại rau có tính khắc xung với trực khuẩn lỵ gây bệnh trong đường ruột nên nếu như chẳng may cơ thể bị mắc bệnh, ăn rau dền cơm vào thực như uống thêm thuốc vậy. Cái hay ở chỗ thuốc này rất tự nhiên, không độc hại, không làm ảnh hưởng tới đường ruột và dinh dưỡng, nên coi như dinh dưỡng không bị bất an. Nếu như bạn đọc nào bị triệu chứng đau bụng liên miên, phân thì lúc buồn ra ít cứ chốc lát lại buồn đi, kết cấu phân không ổn định, thể nào cũng có nhầy cuối bãi, dù ít hay nhiều thì rau dền cơm là loại rau rất đáng nên ăn. Kể ra, công hiệu diệt khuẩn không mạnh như thuốc kháng sinh đặc dụng, nhưng phối hợp ăn thêm rau dền cơm, vừa không làm tăng liều độc của thuốc lại vừa thu được những công dụng kỳ thú, thì cũng đáng để ăn. Chỉ cần hãy chịu khó ăn rau dền cơm 1 ngày chừng 500 – 600g chia làm 2 bữa. Ăn liền một tuần trong thời gian điều trị thì sẽ thấy hiệu quả.
Chữa kém ăn, nóng trong, bốc hỏa:
Công dụng này thì thực thú vị bởi những người chán ăn, kém ăn, nếu tích cực ăn rau dền cơm thì có thể làm nghịch đảo được bệnh. Đó là bởi những tác dụng tổng hợp thu được từ loại rau chân chất này. Bao gồm: thanh nhiệt nên có tác dụng giảm nóng trong, giúp cân bằng lại cơ thể. Phá tích nhiệt nên tống bỏ được bốc hỏa. Lại có tác dụng kích thích sinh tân dịch, tạo ra men tiêu hóa, dịch tiêu hóa tràn trề. Tổng hợp lại, chúng tạo nên một hiệu ứng thèm ăn tuyệt vời.
Để tạo ra hiệu ứng này không khó, chỉ cần chăm chỉ ăn rau dền cơm liên tục với lượng 400g trong 1 ngày liền trong 10 ngày là đủ. Cố nhiên, các trường hợp bệnh lý nặng thì không khắc phục được, những bệnh lý dạng tổn thương thực thể tại miệng, thực quản, dạ dày, đường ruột thì cần phải được điều trị. Còn những rối loạn kém ăn chức năng thì quý bạn cứ để rau dền cơm ra tay. Phương cách này xin được hướng dẫn cụ thể trong góc ứng dụng mà quý vị có thể tìm thấy ngay trong tờ báo này về rau dền cơm.
Cách chế biến sử dụng rau dền cơm?
Canh rau dền cơm nấu tôm nõn
Nguyên liệu:
Rau dền cơm 400g, tỏi 10g.
Tôm nõn khô 20g, dầu ăn 15ml (3 thìa cà phê).
Đậu phụ 250g, muối, mì chính, vừa đủ.
Sơ chế:
Rau dền cơm nhớ chọn loại mẫm, xanh trắng, lá to, nhưng chưa ra hoa. Lấy phần ngọn, lá non. Thân thì tước bỏ vỏ xơ ngoài rồi lấy phần non ăn được. Rửa sạch, để ráo nước, cắt khúc 1 đốt ngón tay.
Tôm nõn khô rửa sạch với nước cho bay bụi. Sau đó ngâm với nước nóng già chừng 5 phút. Sau đó vớt ra, để 5 phút cho ráo nước, băm nhỏ nhuyễn.
Tỏi bóc vỏ, đập dập, băm nhỏ. Nếu chỉ thái miếng thì tỏi sẽ không giải phóng được tinh dầu và sẽ không dậy mùi.
Đậu phụ rửa sạch bằng nước sạch, xắt miếng nhỏ bằng 1/4 bao diêm.
Cách làm:
Rửa sạch nồi, cho lên bếp, đun nóng già cho khô. Cho toàn bộ dầu ăn vào đun nóng đến sôi lăn tăn. Cho tỏi vào phi thơm, đến khi tỏi vàng ươm và dậy mùi. Vặn lửa vừa. Cho tôm vào, một chút muối vào xào lẫn. Khi tôm săn thì cho đậu phụ thái miếng vào, đảo đều, để chừng 1 – 2 phút cho đậu săn và ngấm dầu.
Cho thêm chừng 1 lít nước cho vừa đủ ăn.
Đun sôi, cho rau dền vào, đảo đều, để sôi chừng nửa phút thì bắc ra.
Nêm mì chính, muối vừa ăn. Nên ăn khi canh còn nóng.
Yêu cầu thành phẩm:
Nước canh trong, xanh nhẹ, ngọt dịu của tôm và rau dền
Tôm đậm đà và đậu phụ ngấm vị.
Đậu không bị nát trong canh, còn nguyên miếng. Rau không bị nhừ, nát.
Canh có tôm mà không có vị tanh, dậy mùi của tỏi.
Công dụng sức khỏe:
Công dụng chung của món ăn này là thanh nhiệt, giải độc, sinh tân dịch, kích thích tiêu hóa, mạnh mẽ các men trong ruột, giúp cho người kém ăn thêm thèm ăn.
Tác dụng của rau dền gai?
Chữa bỏng:
Thân, lá cây rau dền gai rửa sạch, giã nát, đắp lên vết bỏng.
Chữa táo bón:
rau dền gai, rau đay, rau mồng tơi mỗi thư 50g nấu canh cua ăn tuần vài lần.
Ung nhọt chưa vỡ mủ, đau nhức:
Rễ rau dền gai giã nát, đắp lên ung nhọt, có tác dụng làm nhanh vỡ mủ.
Trị ung nhọt bằng rau dền gai:
Để chữa ung nhọt đã vỡ mủ, lấy lá rau dền gai giã nát hoặc nhai nát, đắp lên ung nhọt. Còn nếu bị viêm da mủ, lấy toàn cây rau dền gai rửa sạch, giã nát, đắp lên tổn thương.
Viêm họng:
Thân, lá cây rau dền gai, lượng vừa đủ, thêm một ít muối hạt, 1 – 3 lát gừng tươi. Tất cả nhai nát, nuốt nước dần. Ngày nhai ngậm 1 – 2 lần.
Chữa lỵ:
Thân, lá cây rau dền gai 100g. Sắc uống ngày một thang. Hoặc dùng thân, lá cây rau dền gai 50g, rau sam 30g. Nấu canh ăn ngày 1 – 2 lần.
Rắn cắn:
Hạt rau dền gai 5g (1 muỗng đầy), phèn chua 0,5g. Cả hai thứ đem giã nát, chia hai phần, một phần để uống, chiêu thuốc với rượu hoặc nước ấm (rượu dẫn thuốc nhanh hơn). Phần còn lại đem đắp lên vết cắn. Cần kết hợp với hút nọc rắn tại vết cắn.
Ho đờm:
Thân, lá cây rau dền gai 50 – 100g, giã nát, vắt lấy nước uống. Hoặc dùng thân, lá cây rau dền gai 50g, lá bồng bồng 20g, kim ngân hoa 20g, cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 – 3 lần. Hoặc dùng thân, lá cây rau dền gai 50g, lá húng chanh 16g, vỏ rễ dâu tằm 16g, cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 – 3 lần.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ rau dền?
Giúp nhuận tràng:
Rau dền đỏ 1 nắm, nhặt sạch, rửa rồi luộc sôi 3 phút, vớt ra trộn với dầu vừng hoặc bột vừng đen, ăn với cơm rất công hiệu hoặc có thể dùng rau dền đỏ nấu canh ăn cũng rất hiệu nghiệm với các trường hợp táo bón.
Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp:
Rau dền đỏ 20g, lá mã đề non 20g, lá dâu bánh tẻ 20g. Tất cả rửa sạch, cho vào nồi nấu canh, thêm gia vị cho vừa ăn hằng ngày. 10 ngày 1 liệu trình.
Chữa huyết nhiệt sinh lở ngứa:
Rau dền đỏ 20g, kim ngân hoa 12g, ké đầu ngựa 16g, cam thảo đất 16g. Tất cả rửa sạch cho vào ấm đổ 750ml nước, sắc còn 250ml, chia 2 lần uống trong ngày. 10 ngày một liệu trình.
Trị kiết lỵ do nóng:
Rau dền đỏ 20g, lá mơ lông 20g, rau sam 20g, cam thảo đất 16g. Tất cả rửa sạch cho vào ấm đổ 500ml nước, sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày. 10 ngày một liệu trình. Hoặc dùng rau dền đỏ luộc chín tới, ăn cả nước lẫn cái. Mỗi ngày ăn khoảng 20g, ăn trong vài ngày là khỏi có thể thêm rau sam.
Phụ nữ sau sinh nóng trong, đại tiện không thông:
Dền đỏ 50g, rửa sạch thái khúc, nấu bỏ bã lấy nước, thêm gạo nếp nấu thành cháo. Ăn trong ngày, 5 ngày một liệu trình.
Thanh nhiệt, kích thích tiêu hoá:
Dền đỏ 100g, dền cơm 50g, rau dệu 50g, ngọn lá mảnh cộng 50g hay rau đay; nấu với bột canh, bột tôm hay nước cua.
Cháo rau dền tía (Tử hiện chúc):
rau dền tía 200g. Rửa sạch, nấu lấy nước lấy nước rau nấu cháo với gạo lứt. Ăn khi đói. Dùng cho phụ nữ trước, sau khi sinh con có hội chứng kiết lỵ dùng cho người cao tuổi viêm ruột, kiết lỵ.
Canh rau dền:
rau dền tía 200g rửa sạch nấu canh. Dùng cho các bệnh nhân ung thư cổ tử cung, hội chứng lỵ, u tuyến giáp trạng lành tính.
Canh rau dền thịt lợn:
rau dền tía 60g, thịt lợn nạc 60g, nấu dạng canh. Dùng cho các bệnh nhân bướu giáp trạng lành tính.
Chữa phát ban:
rau dền 10g, rễ hoặc lá lức 10g, ké hoa vàng 8g, rễ sắn dây 8g, cỏ mần trầu 8g, dây chiều 8g, rau má 8g, dây giác tía 8g, kinh giới 6g, cam thảo đất 6g, bạc hà 4g, gừng sống 2 lát. Sắc uống. Chữa sốt nóng thời kỳ đầu. Lá dền tía 50g rửa sạch thái lát nấu bỏ bã lấy nước thêm gạo nếp nấu thành cháo. Ăn trong ngày. Chữa hậu sản
Chữa đau mắt:
hạt dền cơm hạt thảo quyết minh liều lượng bằng nhau đều 10g. Sắc nước uống. Chữa mắt đau có màng mộng.
Canh rau tập tàng:
dền cơm 100g, rau dệu 50g, ngọn lá mảnh cộng 50g hay rau đay nấu với bột canh bột tôm hay nước cua. Mát gan thanh nhiệt kích thích tiêu hoá.