Những cây thảo dược chữa viêm gan trong dân gian có rất nhiều, và được áp dụng từ lâu. Liệu quý vị đã biết hết những cây thảo dược này? Hãy cùng caycagaileo.vn tìm hiểu những cây thảo dược được dùng chữa bệnh về gan, viêm gan.

1/Bạch đồng nữ:

Bạch đồng nữ. Mò hoa trắng -Clerodendrum viscosum-Vent., thuộc họ Cỏ roi ngựa – Verbenaceae.

Mô tả: Cây bụi nhỏ, cao khoảng 1m; thường rụng lá. Nhánh vuông, có lông vàng. Lá mọc đối, hình tim, có lông cứng và tuyến nhỏ, mép có răng nhọn hay nguyên. Chuỳ hoa to, hình tháp có lông màu vàng hung. Hoa trắng vàng vàng, đài có tuyến hình khiên; tràng có lông nhiều, nhị thò ra. Quả hạch đen, mang đài màu đỏ tồn tại ở trên. Cây ra hoa tháng 2-3.

Bộ phận dùng: Rễ – Radix Clerodendri Viscosi.

Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang ở Ðông Dương và Trung Quốc, gặp ở nhiều nơi, trên đồi dốc, rừng và các lùm bụi. Có thể thu hái rễ quanh năm. Rửa sạch, thái nhỏ và phơi khô ngoài nắng. Tính vị, tác dụng: Rễ có vị ngọt và nhạt, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt tiêu viêm, điều hoà dịch thể, làm long đờm rãi, làm mát máu và cầm máu.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường được dùng trị 1. Ho, cảm lạnh, sốt; 2. Lao phổi, ho ra máu; 3. Lỵ trực khuẩn; 4. Viêm gan. Liều dùng 15-30g, dạng thuốc sắc.

2/Bạch truật:

Bạch truật – Atractylodes macrocephala Koidz., thuộc họ Cúc – Asleraceae.

Mô tả: Cây thảo cao 40-60cm, sống nhiều năm. Rễ thành củ mập, có vỏ ngoài màu vàng xám. Lá mọc so le, mép khía răng, lá ở gốc có cuống dài, xẻ 3 thuỳ; lá gần cụm hoa có cuống ngắn, không chia thuỳ. Cụm hoa hình đầu, ở ngọn; hoa nhỏ màu tím. Quả bế có túm lông dài. Mùa hoa quả tháng 8-10.

Cây thảo dược chữa viêm gan B!
Cây thảo dược chữa viêm gan B!

Bộ phận dùng: Thân rễ – Rhizoma Atractylodis macrocephalae, thường gọi là Bạch truật.

Nơi sống và thu hái: Khoảng năm 1960, ta nhập nội đem trồng thử ở Bắc Hà và Sa Pa tỉnh Lào Cai, nay được đem trồng ở nhiều nơi cả miền núi và đồng bằng. Trồng bằng hạt vào tháng giêng hoặc tháng 3, hoặc tháng 9-10 ở vùng núi và từ tháng 10 đến đầu tháng 11 ở đồng bằng. Trong 2 năm thì có thể thu hoạch dược liệu; nhưng trồng ở đồng bằng thì chỉ cần 8-10 tháng. Thu hoạch rễ củ vào tháng 6-7 (ở đồng bằng) và tháng 12 (ở miền núi) khi lá ở gốc đã khô vàng; cắt bỏ rễ con, rửa sạch, sấy lưu huỳnh 12 giờ, rồi phơi khô. Củ cứng chắc, vỏ màu nâu, ruột trắng ngà, có mùi thơm nhẹ là loại tốt. Khi dùng, đắp nước vào khâu ủ rễ cho mềm rồi thái miếng.

Thành phần hoá học: Củ chứa 1,4% tinh dầu. Thành phần của tinh dầu gồm: atractylol, atractylenolid I, II và III, endesmol và vitamin A. Tính vị, tác dụng: Bạch truật có vị ngọt đắng, mùi thơm nhẹ, tính ấm, có tác dụng kiện tỳ, táo thấp, chỉ tả, hoà trung, lợi thuỷ, an thai.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Bạch truật được xem là một vị thuốc bổ bồi dưỡng và được dùng chữa viêm loét dạ dày, suy giảm chức phận gan, ăn chậm tiêu, nôn mửa, ỉa chảy phân sống, viêm ruột mạn tính, ốm nghén, có thai đau bụng, sốt ra mồ hôi. Cũng dùng làm thuốc lợi tiểu, trị ho, trị đái tháo đường. Ngày dùng 6-12g, dạng thuốc sắc, bột hoặc cao. Người đau bụng do âm hư nhiệt trướng, đại tiện táo, háo khát không dùng.

Ðơn thuốc:

1. Thuốc bổ và chữa dị ứng: Bạch truật 6kg cho ngập nước vào nồi đất hay đồ sành, đồ sắt tráng men, nấu cạn còn một nửa, gạn lấy nước, thêm nước mới, làm như vậy 3 lần. Trộn 3 nước lại cô đặc thành cao. Ngày uống 2-3 thìa cao này.

2. Viêm gan nhiễm trùng: Bạch truật 9g. Nhân trần 30g, Trạch tả 9g. Dành dành 9g. Phục linh 12g, nước 450ml sắc còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.

3. Viêm dạ dày cấp và mạn tính, bệnh về máu: Bạch truật 6g. Trần bì 4,5g, Toan táo nhân 3g. Hậu phác 4,5g. Gừng 3g, Cam thảo 1,5g nước 600ml, sắc, sau đó lọc, chia làm 3 lần uống trong ngày.

3/Bại tượng hoa trắng:

Bại tượng hoa trắng, Cỏ hồng -Patrinia villosa (Thunb) Juss., thuộc họ Nữ lang – Valerianaceae.

Mô tả: Cây thảo cao đến 1m, thân có lông mềm dài, lá ở phía dưới thân kép lông chim, lá chét xoan, thuôn cả 2 đầu đến hẹp, mép có răng, 2 mặt có lông, lá ở phía trên đơn, có cuống dài. Chuỳ hoa dạng ngù ở ngọn. Hoa nhỏ màu trắng, đài là ống có răng nhỏ; tràng có ống dài mang 5 tai gần bằng nhau; nhị 5, đính trên ống tràng, bầu 3 ô. Quả khô dính vào lá bắc mỏng, xoan tròn, mép mụn nhọt, ghẻ ngứa. nguyên, chót có 3 thuỳ, hạt 1. Hoa tháng 5-6. Quả tháng 1-2.

Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Patriniae, gọi là Bại tượng thảo. Nơi sống và thu hái: Thường gặp ở trảng có ở Lạng Sơn. Thu hái vào mùa hạ trước khi có hoa nở, rửa rạch thái nhỏ phơi trong râm.

Thành phần hoá học: Có villoside, morroniside, loganin. Tính vị, tác dụng: Vị cay, đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, khư ứ bài nung,

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng trị: Viêm ruột thừa, kiết lỵ, viêm ruột, viêm gan, viêm kết mạc, sản hậu huyết ứ đau bụng, mụn nhọt, ghẻ ngứa.

4/Bàn tay ma

Bàn tay ma – Heliciopsis lobata (Merr.) Sleum., thuộc họ Chẹo thui – Proteaceae.

Mô tả: Cây gỗ nhỏ, cao tới 7-8m hay hơn. Cành nhỏ và cuống lá non, thường có lông nhung. Lá có thể xẻ sâu lông chim gần hình bầu dục, xẻ sâu 3 thuỳ dạng trứng, hay hình tròn dài không xẻ thuỳ, mép lá nguyên hay có gợn sóng. Hoa đơn tính, hay hình bầu dục, gần như không cuống. Quả hình trứng hay hình bầu dục, dẹt, không có lông, khi chín có màu nâu đen. Hạt đơn độc, hình bầu dục. Ra hoa tháng 6. Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Heliciopsis.

Nơi sống và thu hái: Cây mọc trong rừng núi đất ở Bắc Thái, Vĩnh Phú, Ninh Bình, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Thu hái toàn cây, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ðồng bào Dao dùng cây chữa bệnh thấp khớp, nấu nước tắm cho phụ nữ sau khi sinh đẻ cho khoẻ người và chống đau nhức. Cũng được dùng chữa lao hạch, chữa viêm gan siêu vi trùng.

5/Bí kỳ nam:

Bí kỳ nam. Trái bí kỳ nam, Kỳ nam kiến – Hydnophytum formicarum Jack, thuộc họ Cà phờ – Rubiaceae.

Mô tả: Cây phụ sinh, cộng sinh với kiến. Thân phình thành củ lớn, mặt ngoài sần sùi. Lá mọc đối, gốc thuôn, đầu tù; phiến lá dày, nhẵn bóng. Lá kèm sớm rụng. Hoa không cuống, mọc tụ họp 4-5 cái ở nách lá, màu trắng. Quả nhỏ, hình trụ hơi dài, khi chín màu da cam. Mùa hoa quả: tháng 12-1.

Bộ phận dùng: Thân phình thành củ do kiến đục làm tổ, tạo thành hốc, lỗ – Caulis Hydnophyti. Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang, bám vào các cây gỗ trong rừng thứ sinh ở miền Nam nước ta. Thu hái thân, thái mỏng, phơi đến gần khô thì phơi tiếp trong râm. Khi dùng đem thuốc tẩm qua nước đang sôi, rồi sao vàng.

Tính vị, tác dụng: Tác dụng lợi tiểu, tiêu viêm kháng sinh, sát trùng.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng chữa: 1. Viêm gan, đau gan, vàng da; 2. Ðau nhức gân xương, bong gân, thấp khớp; 3. Ðau bụng, ỉa chảy. Liều dùng 6-12g, sắc uống hoặc nấu cao uống.

Ðơn thuốc:

1. Viêm gan, đau gan, vàng da: Bí kỳ nam 80g, Hạ khô thảo, Chó đẻ, Hậu phác nam, mỗi vị 20g sắc uống. Hoặc Bí kỳ nam 40g, Thảo quyết minh 10g, áctisô 20g, Nhân trần 15g, cho 500ml nước vào sắc còn 100ml, chia 2 lần uống trước 2 bữa ăn khoảng 1 giờ. Uống liên tục 10-15 ngày.

2. Ðau nhức gân xương, bong gân, thấp khớp: Bí kỳ nam 40g, phối hợp với Bổ cốt toái 30g, rễ Trứng cuốc, rễ Trinh nữ, mỗi vị 20g, hoặc Ngũ gia bì 30g, rễ Vú bò, Xuyên tiêu, mỗi vị 20g, sắc uống hoặc ngâm rượu 30-40 độ (350g thuốc trong 1 lít rượu), ngày dùng 2 lần trước bữa ăn.

3. Ðau bụng: Sắc 60g thuốc Bí kỳ nam cho thật đặc, lấy 1/2 chén nước thuốc, chia 2 lần uống cách nhau 1 giờ.

6/Bùm bụp:

Bùm bụp, Bùng bục, Ba bét trắng, Cây ruông – Mallotus apelta (Lour.) Muell. -Arg., thuộc họ Thầu dầu -Euphorbiaceae.

Mô tả: Cây gỗ nhỏ hay cây bụi cao 1-2m hay hơn, có thể tới 5m; cành non có lông màu vàng nhạt. Lá mọc so le, nguyên, hoặc chia thuỳ rộng, có 2 tuyến ở gốc, mép khía răng; cuống lá và mặt dưới của lá có lông dày mịn màu trắng. Hoa đực và hoa cái riêng mọc thành bông đuôi sóc dài đến 50cm, thõng xuống. Quả nang, to 2cm, có gai mềm, dài 5mm. Hạt màu đen bóng. Ra hoa tháng 4-7, có quả tháng 7-9. Bộ phận dùng: Rễ, vỏ cây và lá – Radix, Cortex et Folium Malloti Apeltae.

Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở lục địa Đông Nam á châu. Ở nước ta, thường gặp trên các đồi, trong rừng thưa. Thu hái rễ quanh năm, rửa sạch, thái nhỏ và phơi khô. Vỏ thân thu hái vào mùa xuân – hè, phơi khô.

Tính vị, tác dụng: Bùm bụp có vị hơi đắng và chát, tính bình. Rễ có tác dụng hoạt huyết, bổ vị tràng, thu liễm; lá và vỏ đều có tác dụng tiêu viêm, cầm máu.

Công dụng, chỉ định và phối hợp:

Rễ dùng chứa:

1. Viêm gan mạn tính, sưng gan lá lách;

2. Sa tử cung và trực tràng;

3. Huyết trắng, phù thũng khi có thai;

4. Viêm ruột ỉa chảy. Vỏ thân chống nôn, chữa viêm loét hành tá tràng và cầm máu.

Liều dùng 15-30g, dạng thuốc sắc. Lá dùng ngoài trị viêm tai giữa, cụm nhọt, đòn ngã tổn thương, chảy máu.

Đơn thuốc:

1. Viêm gan mạn tính, sưng gan lách: Rễ Bùm bụp 15g, rễ Muỗng truồng 30g và rễ Sim 30g, sắc uống.

2. Sa tử cung và trực tràng: Rễ Bùm bụp 30g, rễ Kim anh 15g, sắc uống.

3. Băng huyết sau khi đẻ: Vỏ thân khô Bùm bụp 15g, phối hợp với thân cây Lấu, rễ Vú bò, cành lá Chua ngút, mỗi vị 12g, sắc uống.

Cây thảo dược chữa viêm gan B!
Cây thảo dược chữa viêm gan B!

7/Cải hoang:

Cải hoang, Cải cột xôi, Cải ma lùn, Đình lịch -Rorippa indica(L.) Hiern (Nasturtium indicum (L.) DC.), thuộc họ Cải – Brassicaceae.

Mô tả: Cây thảo cao 20-50cm, thân phân nhánh từ gốc, có rãnh, nhẵn hay có lông. Lá mọc từ rễ, có cuống, có 2-4 tai; còn những lá khác đơn, thu hẹp ở gốc thành cuống ngắn, thon lại ở chóp, khía tai bèo có răng ở mép. Hoa vàng, nhỏ, xếp thành chùm đứng ở ngọn; cánh hoa 4, dài hơn lá đài, nhị 4 dài, 2 ngắn. Quả cải dạng sợi, dài 2-2,5cm, rộng 1mm, có vòi nhuỵ dài 1mm, chia 3 van với 3 gân mảnh. Hạt xếp 2 dãy, hình tim, trái xoan dẹp, màu hung hung, rất nhỏ.

Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Rorippae, thường gọi là Hân thái. Nơi sống và thu hái: Cây của vùng lục địa Đông Nam Á châu, mọc hoang ở rẫy, ruộng bỏ hoang, bãi sông, nơi ẩm ướt đến 2000m. Thu hái toàn cây quanh năm, rửa sạch, phơi khô hoặc dùng tươi.

Thành phần hóa học: Cây chứa rorifone, rorifamide. Còn có caroten, vitamin C. Tính vị, tác dụng: Vị cay, tính ấm; có tác dụng làm long đờm, ngừng ho, hoạt huyết, lợi tiểu, giúp tiêu hoá, tiêu tích.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng trị: 1. Cảm mạo phát sốt, đau họng; 2. Ho, viêm khí quản mạn tính; 3. Phong thấp cấp; 4. Viêm gan, giảm niệu; 5. Tiêu hoá không bình thường. Cũng dùng chữa huyết hư kinh bế, mụn nhọt ung thũng và rắn cắn. Liều dùng 15-30g dạng thuốc sắc. Dùng ngoài tuỳ lượng, lấy cây tươi giã đắp.

Đơn thuốc:

1. Sốt nóng mùa hè, môi khô, nóng khát; đun sôi toàn cây Cải hoang lấy nước để uống thay trà.

2. Chữa bệnh cổ trướng, dùng Cải hoang sao 12g, Trần bì 12g, vỏ rễ Dâu (lấy lớp trắng) 24g, Gừng sống 3 lát, sắc uống lúc đói. Hoặc dùng riêng một vị Cải hoang, sao và tẩm rượu 7 lần, tán nhỏ, uống mỗi lần 2 -3 thìa hoà với rượu vào lúc đói (Nam dược thần hiệu).

3. Chữa viêm gan thể giữ nước, viêm phổi tràn dịch màng phổi, ho suyễn ngực căng tức, phù tim mặt sưng thở gấp và viêm thận cấp, đái ít, phù to: Cải hoang 12g, Mạch môn chế bỏ lõi, Ý dĩ sao, Xa tiền, Ngưu tất, Mộc thông, Dành dành và Huyền sâm, đều 12g, sắc uống (Lê Trần Đức).

Nguồn: https://caycagaileo.vn/tin-tuc/cay-thao-duoc-chua-viem-gan/