Chào quý độc giả quen thuộc của nam dược gia truyền! Hôm nay chúng tôi xin được chia sẻ tới quý vị 12 loại cà gai mà quý vị có thể sử dụng làm thuốc chữa bệnh trong đông y như, cà gai leo, cà gai dại, cà độc dược v…. Tất cả các loại cà sẽ được Nam Dược thống kê chia sẻ bên dưới, mời quý vị đón đọc.

1. Cà dại hoa tím

Cà dại hoa tím – Solanum indicum L. (S. violaceum Ortega), thuộc họ cà – Solanaceae.

Mô tả:

Cây nhỏ mọc đứng, cao 0,6-1m; thân và cành có lông tơ và lông hình sao và đều có gai uốn cong màu nâu nhạt. Lá mọc so le, chia thuỳ nông, mặt trên xanh sẫm, mặt dưới có lông như len màu trắng; hai mặt lá có gai rải rác ở gân. Hoa mọc thành chùm ở nách lá; tràng hoa lớn màu lam hay tím. Quả mọng, nhỏ, hình cầu đường kính 1cm, màu vàng hay hơi đỏ, nhẵn. Hạt vàng, dẹt hình dĩa. Ra hoa vào mùa hạ, đầu mùa thu.

Cây cà dại chữa đau dạ dày!
Cây cà dại chữa đau dạ dày!

Bộ phận dùng:

Rễ và toàn cây – Radix et Herba Solani Indici.

Nơi sống và thu hái:

Cây ưa sáng, mọc dại ở các bãi hoang, ở bờ đường quanh làng, ở các vườn phổ biến khắp nước ta. Có thể thu hái rễ và lá quanh năm.

Thành phần hóa học:

Rễ và lá chứa alcaloid solanin, solanidin.

Tính vị, tác dụng:

Vị hơi đắng, tính mát, có ít độc; có tác dụng tán ứ tiêu thũng, tiêu viêm giảm đau.

Công dụng, chỉ định và phối hợp:

Thường dùng trị sưng amydal, viêm hầu họng, lâm ba kết hạch, đau dạ dày, đau răng, đòn ngã tổn thương. Còn dùng trị hen suyễn, ho, bệnh xuất tiết, sinh đẻ khó, sốt, bệnh giun, đau bụng, đái khó. Dịch lá lẫn với dịch gừng được dùng nóng làm ngưng nôn mửa. Lá và quả dùng chữa ghẻ ngứa.

Đơn thuốc:

1. Tẩy, chống nôn, dùng rễ Cà dại hoa tím 6-12g, sắc uống.

2. Đau răng; dùng 6-12g sắc đặc, ngậm.

2. Cà dại hoa trắng

Cà dại hoa trắng – Solanum torvum Swartz, thuộc họ Cà – Solanaceae.

Mô tả:

Cây nhỏ, mọc đứng, cao 2-3m, mang cành có gai. Lá mọc so le, có cuống hình trứng rộng, thường có thuỳ nông (ít khi nguyên), dài 18-25cm và rộng tới 18cm; cuống lá có gai, dài 3-10cm; phiến lá có lông mềm hình sao, gân giữa có gai. Cụm hoa xim ở kẽ lá. Hoa có cuống mang đài hoa 5 thuỳ có tuyến, có gai dài 3-5mm; tràng 5 thuỳ trắng, hình bánh xe; 5 nhị dài 5-6mm. Quả mọng hình cầu, khi chín màu vàng đường kính 10-15mm. Mùa hoa quả tháng 4 đến tháng 7.

Bộ phận dùng:

Rễ – Radix Solani Torvi. Lá, hoa và quả cũng được dùng.

Nơi sống và thu hái:

Loài liên nhiệt đới, mọc hoang ở vùng núi. Thu hái rễ quanh năm. Rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô trong râm.

Tính vị, tác dụng:

Vị cay, hơi mát, có ít độc; có tác dụng hoạt huyết, tán ứ, tiêu thũng, giảm đau, trừ ho.

Công dụng, chỉ định và phối hợp:

Thường được dùng trị:

1. Đau cả vùng thắt lưng, đòn ngã tổn thương;

2. Đau dạ dày, đau răng;

3. Bế kinh;

4. Ho mãn tính. Dùng 10-15g rễ, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài trị đinh nhọt và viêm mủ da: giã lá tươi và đắp vào chỗ đau. Người bị bệnh tăng nhãn áp không dùng.

Đơn thuốc:

1. Chứng khó đái: Nước hãm lá tươi Cà dại hoa trắng, phối hợp với cành lá của cây Đơn buốt.

2. Đau bụng của trẻ em: Hãm hoa lấy nước cho uống.

3. Ong (vò vẽ) đốt, nứt nẻ ở bàn chân, kẽ chân: Quả giã nát với Lá lốt, lấy nước bôi.

4. Đau răng: Rễ Cà dại hoa trắng sắc đặc với rễ Chanh, vỏ cây Lai, vỏ cây Trẩu, mỗi vị 10g, lấy nước ngậm rồi nhổ nước.

3. Cà dại quả đỏ

Cà dại quả đỏ – Solanum surattense Burm. f., thuộc họ Cà – Solanaceae.

Mô tả:

Cây thảo cao 30-60cm; toàn cây có lông và có nhiều gai. Lá mọc so le, phiến dài 5-12cm, thường chia 5-7 thuỳ. Cụm hoa xim ngoài nách lá, mang 1-4 hoa, màu trắng với 5 nhị có bao phấn màu vàng. Quả mọng màu đỏ, đường kính 2-2,5cm; hạt nhiều, rộng 4mm. Hoa mùa hè – thu; quả vào tháng 7.

Cà dại quả đỏ
Cà dại quả đỏ

Bộ phận dùng:

Toàn cây – Herba Solani Surattensis, thường gọi là Dã tiên gia

Nơi sống và thu hái:

Cây mọc ở đất hoang ở một số tỉnh miền Trung: Thanh hoá, Nghệ an, Hà tĩnh. Thu hái cây vào mùa hè thu, dùng tươi hoặc phơi khô dùng dần.

Thành phần hóa học:

Quả chứa solasonin, solamargin, solasurin. Tính vị, tác dụng: Vị đắng, cay, tính hơi ấm, có độc; có tác dụng hoạt huyết tán ứ, tiêu thũng, chống đau, gây tê.

Công dụng, chỉ định và phối hợp:

Được dùng trị đòn ngã tổn thương, viêm phế quản mạn tính, phong thấp đau lưng, mụn nhọt độc, lâm ba kết hạch, nứt nẻ, đau dạ dày.

4. Cà đắng ngọt

Cà đắng ngọt, Dây toàn, Bạch anh – Solanum lyratum Thunb. (S. dulcamara L. var. lyratum (Thunb.) Sieb. et Zuce.), thuộc họ Cà – Solanaceae.

Mô tả:

Cây thảo bò rồi đứng hay leo; thân mảnh, có lông màu vàng. Lá có phiến xoan, tam giác, có lông, mép nguyên hay có thuỳ tròn ở gốc, gân phụ 3-4 cặp; cuống có lông, dài 2-2,5cm. Hoa 1-3 ở nách lá; cuống 1,5-2cm; đài dầy lông; tràng rộng 2cm, tím. Quả tròn, to cỡ 1cm, màu đỏ, mang đài tồn tại. Hoa tháng 7-9; quả tháng 9-11.

Cà đắng ngọt
Cà đắng ngọt

Bộ phận dùng:

Toàn cây – Herba Solani Lyrati, thường gọi là Bạch anh

Nơi sống và thu hái:

Cây của miền ôn đới châu Âu, châu Á. Ở nước ta cây mọc dọc các đường đi ẩm ướt ở Sapa, tỉnh Lào cai. Thu hái toàn cây vào mùa hè – thu, rửa sạch, phơi khô.

Thành phần hóa học:

Có glucosid, acid dulcamaretic, acid dulcamaric, solacein; còn có soladulcine. Lá tươi chứa vitamin C 60mg%. Quả chứa 0,5% solanin, một sắc tố carotenoid là lycopen, các anthocyanosid và anthocyanidol, các đường mà nhất là fructoza, 9% dầu và một lượng đáng kể vitamin C 200mg%. Hạt chứa chất béo 24%.

Tính vị, tác dụng:

Vị ngọt rồi đắng, tính hàn, hơi có độc; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, khư phong lợi thấp, hoá đàm.

Công dụng, chỉ định và phối hợp:

Thường dùng trị:

1. Thấp nhiệt hoàng đản;

2. Đau đầu do phong nhiệt;

3. Bạch đới quá nhiều;

4. Phong thấp đau nhức khớp xương.

5. Ca di xoan

Ca di xoan, Bập, Rét – Lyonia ovalifolia (Wall.) Drude, thuộc họ Đỗ quyên – Ericaceae.

Mô tả:

Cây gỗ nhỏ, nhánh non có lông mịn trắng. Lá mọc so le, phiến xoan, dài 5-10cm, rộng 2,7-6cm, gốc tròn hay hơi hình tim, mặt dưới có lông ở gân, mép nguyên. Chùm hoa ở nách lá, có lông, lá bắc 5mm. Hoa trắng, cao 1cm; đài có lông; tràng hình chuông, nhị 10, bao phấn có 2 sừng. Quả nang to 4-5mm. Hoa tháng 3-8, quả tháng 5-12. Bộ phận dùng: Lá – Folium Lyoniae.

Nơi sống và thu hái:

Loài của Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam. Ở nước ta chỉ gặp ở vùng núi cao 500-2000m, các tỉnh Lào Cao, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng.

Thành phần hóa học:

Có chất độc và romedotoxin. Công dụng, chỉ định và phối hợp: Lá non và chồi độc đối với dê. Ở Ấn Độ, người ta dùng để diệt sâu bọ và nước hãm được dùng ngoài trị bệnh ngoài da.

6. Cà độc dược

Cà độc dược – Datura metel L., thuộc gọ Cà – Solanaceae.

Mô tả:

Cây thảo cao đến 2m, sống hằng năm, phần gốc của thân hoá gỗ. Thân và cành non màu xanh lục hay tím, có nhiều lông tơ ngắn. Lá đơn, mọc so le; phiến lá nguyên, hình trứng nhọn, gốc phiến lá không đều. Hoa to, mọc đứng, thường đơn độc, ít khi xếp từng đôi ở nách lá; đài hoa liền nhau, hình ống, màu xanh, phía trên có 5 răng; cánh hoa màu trắng, dính liền với nhau thành hình phễu dài đến 20cm nhưng vẫn thấy có 5 thuỳ; có 5 nhị dính trên cánh hoa; bầu trên, có 2 lá noãn, hàn liền nhau, chứa nhiều noãn. Quả hình cầu, màu lục, đường kính 3cm, có nhiều gai mềm mỏng ở mặt ngoài, khi chín nở làm 4 mảnh. Hạt nhiều, nhăn nheo, màu nâu nhạt. Mùa hoa quả: Tháng 4 đến tháng 11.

12-loai-ca-gai
Cà độc dược

Bộ phận dùng:

Hoa và lá – Flos et Folium Daturae, thường có tên là Dương kim hoa Nơi sống và thu hái: Cây của Mỹ châu nhiệt đới, được thuần hoá ở nhiều miền nhiệt đới và ôn đới. Ở nước ta, cây mọc hoang khắp nơi và cũng được trồng làm cảnh và làm thuốc. Trồng bằng hạt trước mùa mưa. Người ta đã tạo ra nhiều giống trồng với lá có màu khác nhau: xanh, tía hay tim tím, hoa đơn hay hoa đôi. Có thể thu hái hoa vào mùa thu; thu hái lá quanh năm.

Thành phần hóa học:

Trong cây chứa nhiều alcaloid, chủ yếu là scopolamin; còn có hyoscyamin, atropin, norhyoscyamin với tỷ lệ ít hơn. Người ta đã tìm được những chất khác như saponin, cumarin, flavonoid, tanin và chất béo. Lá chứa nhiều hyoscyamin. Nhựa chứa dầu cố định 12% và allantoin. Rễ cũng có hyoscyamin. Hoa chứa nhiều scopolamin và hyoscyamin với lượng ít hơn.

Tính vị, tác dụng:

Hoa có vị cay, tính ôn, có độc; có tác dụng ngăn suyễn, giảm ho, chống đau, chống co giật. Các alcaloid trong Cà độc dược là những thuốc huỷ phó giao cảm và tác dụng giống nhau, chỉ khác nhau về mức độ.

Công dụng, chỉ định và phối hợp:

Hoa được dùng trị ho, suyễn thở, ngực bụng lạnh đau, phong thấp đau nhức, trẻ em cam tích. Còn dùng làm thuốc tê trong phẫu thuật. Lá Cà độc dược là vị thuốc chặn cơn hen suyễn, chống co bóp trong bệnh đau loét dạ dày ruột, chống say sóng gây chóng mặt, nôn mửa khi đi tàu, thuyền và máy bay. Còn dùng chữa phong tê thấp, cước khí (sưng chân), đau dây thần kinh toạ, đau răng, động kinh, lòi dom. Lá đem ngâm lấy nước trị chứng ho có tính co cứng, suyễn và các nhánh khí quản viêm.

Cách dùng:

Thường được dùng dưới dạng cao, bột, cồn thuốc, cồn thuốc tươi. Dùng ngoài làm thuốc hút, nướng đắp hoặc giã đắp. Để trị hen, dùng 1-1,5g lá hoặc hoa khô cuốn vào giấy hút lúc lên cơn hen. Dùng lá hoặc hạt ngâm rượu uống mỗi ngày 10-15 giọt chữa nôn mửa, đau dạ dày ruột. Có thể ngâm lá tươi vào rượu để dùng. Dùng ngoài đắp mụn nhọt cho khỏi đau nhức, hơ nóng đắp trị đau dây thần kinh toạ.

Ghi chú: Lá cây có độc, khi dùng phải thận trọng. Khi đã phát hiện là bị trúng độc, phải giải độc bằng đường vàng và Cam thảo.

7. Cà độc dược cảnh

Cà độc dược – Brugmansia suaveolens (Willd.) Bercht. et Presl (Datura suaveolens Humb. et Bonpl. ex Willd.), thuộc họ Cà – Solanaceae.

Mô tả:

Cây nhỡ khoẻ, cao 4-5cm, hoá gỗ, có vỏ xám, cành lá thường thòng xuống. Lá mọc so le, phiến có dạng như lá thuốc lá, to, dài 15-20cm, tới 30cm, rộng 20cm, có lông ở mặt dưới, gốc có khi không cân, đầu nhọn; cuống dài 2-3cm. Hoa mọc thòng xuống, to, đơn độc hay xếp từng đôi, màu trắng, dài 20-30cm. Tràng hình loa kèn, dài 15-25cm, đường kính 1-1,5cm; nhị đính trên ống tràng và có bao phấn dính nhau. Quả nang không gai dài 7-10cm, hạt dẹp hai đầu.

Bộ phận dùng:

Lá và hoa – Folium et Flos Brugmansiae. Nơi sống và thu hái: Cây của Mêhicô và Pêru được trồng làm cảnh, có nhiều ở Đà Lạt vì hoa đẹp quanh năm và thơm, nhất là vào buổi tối. Có thể nhân giống bằng cành giâm.

Thành phần hóa học:

Lá cũng chứa nhiều alcaloid, trong đó có hyosyamin.

Tính vị, tác dụng:

Cũng như Cà độc dược.

Công dụng, chỉ định và phối hợp:

Cũng được dùng trị bệnh hen; lấy lá và hoa thái nhỏ phơi khô hút như thuốc lá.

8. Cà độc dược gai tù

Cà độc dược gai tù – Datura innoxia Mill., thuộc họ Cà- Solanaceae.

Mô tả:

Cây thảo một năm hay lưu niên, cao đến 1m, có lông mịn. Lá có màu xanh lục sẫm, phiến xoan, to đến 30 x 15cm, mép nguyên hay có thuỳ, gốc không cân xứng; cuống 5-8cm. Hoa thơm, dài đến 20cm, hồng hay tim tím; đài hình ống 5 răng; tràng có 5-10 cạnh; nhị 5, đính ở miệng ống tràng. Quả nang tròn, nở thành 4 mảnh không đều, có gai dài mềm như u nhọn, có lông.

Bộ phận dùng:

Lá và hoa – Folium et Flos Daturae Innoxiae.

Nơi sống và thu hái:

Gốc ở Mêhicô, được nhập trồng ở nhiều nước châu Âu và Ấn Độ, trở thành cây mọc hoang. Ta nhập giống từ Hungari vào trồng. Gieo hạt vào mùa xuân hoặc mùa đông. Sau khoảng 917 ngày cây mọc. Khi cây mọc lá thứ ba thì bắt đầu tỉa và định vị cây. Trồng sau 30-45 ngày, cây bắt đầu ra hoa. Khi quả xanh rộ, bắt đầu thu hoạch toàn bộ thân lá hoa quả làm dược liệu. Thu hái vào sáng sớm, lúc trời nắng ráo, đem phơi nắng hoặc sấy nhẹ đến khô để chế biến dạng thuốc bột, cồn thuốc hay cao.

Thành phần hóa học:

Lá chứa tỷ lệ cao scopolamin (0,16-0,25% trong lá, 0,23-0,80% trong cây), dầu cố định và vitamin C. Rễ chứa tigloidin, atropin, tropin, pseudotropin và các base khác như 7- hydroxy-3a, 6b-digiloyloxytropan, (-) 3a, 6b-digiloyloxytropan, hyoscin và meteloidin.

Tính vị, tác dụng:

Cũng như Cà độc dược.

Công dụng, chỉ định và phối hợp:

Cũng dùng như Cà độc dược. Hoa cũng được dùng làm thuốc hút như các loại Cà độc dược khác.

9. Cà độc dược lùn

Cà độc dược lùn – Dutura stramonium L. (D. tatula L.), thuộc họ Cà – Solanaceae.

Mô tả:

Cây thảo sống hằng năm, cao 0,30 đến 1m. Lá mềm, nhẵn, chia thuỳ sâu với mép có răng cưa không đều. Hoa có lá đài màu lục hoặc hơi tím; tràng hoa màu trắng, đầu các cánh hoa có mũi nhọn dài. Quả hình trứng, mọc thẳng, có nhiều gai cứng, khi chín nứt thành 4 mảnh đều nhau; hạt hình thận, màu đen nâu.

Bộ phận dùng:

Lá hoa và hạt – Folium. Flos et Semen Daturae Stramonii.

Nơi sống và thu hái:

Cây mọc hoang ở các nước châu Âu, sang tới Pháp và Anh, và cũng phân bố ở Ấn Độ trên dãy Hinalaya, từ Cashmia tới Xích Kim và vùng núi ở Trung và Nam Ấn Độ. Ở nước ta, cây được nhập trồng làm thuốc. Nhân giống bằng hạt. Gieo hạt vào mùa xuân hoặc mùa đông (tháng 10- 11). Gieo độ 40-45 ngày đã có thể đem cây con đi trồng. Người ta thu hái lá lúc cây đang ra hoa, hái vào buổi sáng sớm, lúc trời nắng ráo, rồi đem phơi nắng hoặc sấy nhẹ đến khô. Người ta có thể chế thuốc dạng bột lá, cồn thuốc hay cao; còn hoa thường dùng tươi, thái nhỏ, phơi khô, cuốn hút như thuốc lá.

Thành phần hóa học:

Các bộ phận của cây đều chứa alcaloid, chủ yếu là hyoscyamin; atropin và hyoscin, acid chlorogenic và 0,45% tinh dầu màu sẫm; còn có saponin, tanin, flavonoid, cumarin. Hạt chứa 15-17% dầu béo, trong đó có các acid béo: linoleic, palmitic, stearic, lignoceric…

Tính vị, tác dụng:

Vị cay, đắng, tính ấm, có độc; có tác dụng làm tê, chống đau, ngừng ho ngăn suyễn, trừ đàm, khử phong thấp như Cà độc dược, làm dịu thần kinh (tác dụng tương tự belladon và jusquamin) và chống co thắt.

Công dụng, chỉ định và phối hợp:

Người ta dùng lá đắp nhọt, loét và cá độc cắn; dịch hoa trị đau tai; dịch quả đắp da đầu để trị gầu và rụng tóc. Ở Trung Quốc, hoa, lá, hạt dùng chữa hen phế quản, bụng dạ quặn đau, viêm xương tuỷ sinh mủ, đau răng, đau phong thấp, đòn ngã, rắn cắn, mụn nhọt. Còn dùng gây tê.

10. Cà gai

Cà gai – Solanum coagulans Forssk, thuộc họ Cà – Solanaceae.

Mô tả:

Cây thảo hay cây nhỏ cao 0,5-2m, có lông dày vàng vàng và nhiều gai ở thân và lá. Lá có phiến thon, có thuỳ cạn, đầu tù, gốc thường không cân xứng, gân phụ 5-6 cặp. Xim ở ngoài nách lá; hoa màu xanh lam; đài có gai 1cm; tràng có lông ở mặt ngoài. Quả mọng, đường kính 2,5cm, màu vàng hay màu lục nhạt; hạt dẹp vàng.

Bộ phận dùng:

Rễ, lá và quả – Radix, Folium et Fructus Solani, thường gọi là Dã gia.

Nơi sống và thu hái:

Loài của Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Malaixia.. Cây mọc ở các bãi hoang, đầu làng, bờ ruộng, bờ rào, phổ biến ở nhiều nơi của nước ta.

Tính vị, tác dụng:

Vị đắng, cay, tính ấm có tác dụng lợi thấp, tiêu thũng, giảm đau.

Công dụng, chỉ định và phối hợp:

Thường dùng trị:

1. Viêm sưng khớp do phong thấp;

2. Viêm tinh hoàn;

3. Đau răng. Người ta cũng dùng hạt ngâm rượu ngâm chữa sâu răng.

11. Cà gai leo

Cà gai leo, Cà gai dây, Cà vạnh, Cà quýnh – Solanum procumbens Lour., thuộc họ Cà – Solanaceae.

Mô tả:

Cây nhỏ sống nhiều năm, mọc leo hay bò dài đến 6m hay hơn. Thân hoá gỗ, nhẵn, phân cành nhiều; cành phủ lông hình sao và rất nhiều gai cong màu vàng. Lá mọc so le, hình bầu dục hay thuôn, xẻ thuỳ không đều, mặt trên có gai, mặt dưới có lông mềm hình sao màu trắng. Cụm hoa hình xim ở nách lá, gồm 2-5 (7-9) hoa màu tím nhạt. Quả mọng, hình cầu, khi chín màu đỏ. Hạt hình thận dẹt, màu vàng. Hoa tháng 4-5, quả tháng 7-9.

Cà gai leo chữa viêm gan B?
Cà gai leo chữa viêm gan B?

Bộ phận dùng:

Rễ và cành lá – Radix et Ramulus Solani.

Nơi sống và thu hái:

Cây mọc hoang ở khắp mọi nơi từ vùng núi thấp đến trung du và đồng bằng ven biển. Các tỉnh có nhiều là Thái Bình, Nam Hà, Thanh Hoá, Nghệ An. Cũng thường được trồng làm hàng rào. Có thể thu hái rễ và cành lá quanh năm, rửa sạch, thái lát, phơi khô hay sấy khô. Có thể dùng dược liệu nấu cao nước, cao mềm hay cao khô.

Thành phần hóa học:

Toàn cây, nhất là rễ, chứa saponin steroid và các alcaloid solasodin, solasodinon; còn có diosgenin và các flavonoid.

Tính vị, tác dụng:

Cà gai leo có vị hơi the, tính ấm, hơi có độc, có tác dụng tán phong thấp, tiêu độc, tiêu đờm, trừ ho, giảm đau, cầm máu.

Công dụng, chỉ định và phối hợp:

Thường dùng trị cảm cúm, bệnh dị ứng, ho gà, đau lưng, đau nhức xương, thấp khớp, rắn cắn.

Liều dùng 16-20g rễ hoặc thân lá, dạng thuốc sắc, cao lỏng hoặc viên. Dùng ngoài lấy cây tươi giã nát, chiết nước uống và lấy bã đắp. Cao lỏng Cà gai leo dùng ngậm chữa viêm lợi, viêm quanh răng.

Nhân dân còn dùng rễ Cà gai leo xát vào răng khi uống rượu để tránh say rượu; cũng dùng rễ sắc nước cho người bị say uống để giải say.

Đơn thuốc:

1. Chữa rắn cắn, lấy 30-50g rễ Cà gai leo tươi, rửa sạch, giã nhỏ, hoà với khoảng 200ml nước đun sôi để nguội, chiết nước cho người bị nạn uống tức thì. Ngày uống 2 lần. Hôm sau, dùng 15-30g rễ khô, sao vàng, sắc nước cho uống, ngày 2 lần, sau 3-5 ngày thì khỏi hẳn.

2. Chữa phong thấp, dùng rễ Cà gai leo, vỏ Chân chim, rễ Cỏ xước, Dây đau xương, Dây mấu, rễ Tầm Xuân, mỗi vị 20g, sắc uống.

3, Chữa ho, ho gà, dùng rễ Cà gai leo 10g, lá Chanh 30g, sắc uống làm 2 lần trong ngày.

4. Chữa sưng mộng răng, dùng hạt Cà gai leo 4g, tán nhỏ, cho vào trong cái đồ đồng với một ít sáp ong, đốt lấy khói xông vào chân răng (theo Bách gia trân tàng).

12. Cà hai hoa

Cà hai hoa, Cà hoa đôi – Lycianthes biflora (Lour.) Bitter (Solamum biflorum Lour.), thuộc họ Cà -Solanaceae.

Mô tả:

Cây dưới bụi có lông, cao tới gần 1m. Lá có phiến thon, đáy từ từ hẹp trên cuống, đầu có mũi, có lông mịn, trăng trắng ở mặt dưới; cuống có lông. Hoa đơn độc hay từng cặp ở nách lá; cuống dài 1-1,5cm; đài có lông, có 10 răng; tràng hoa trắng, cao gấp đôi đài. Quả mọng đỏ, to 6-10mm; hột vàng, to vào cỡ 3mm. Hoa tháng 2-7, quả tháng 11-12.

12-loai-ca-gai
Cà hai hoa

Bộ phận dùng:

Toàn cây – Herba Lycianthis Biflorae.

Nơi sống và thu hái:

Cây mọc phổ biến khắp cả nước, ở những môi trường khác nhau từ Hoà Bình, Hà Nội qua các tỉnh miền Trung, đến tận Kiên Giang (Phú Quốc). Thu hái toàn cây quanh năm, dùng tươi hay phơi khô. Ngọn cành mang hoa, quả

Tính vị, tác dụng:

Vị se, tính mát, hơi có độc; có tác dụng tiêu viêm, làm long đờm, chống ho. 93

Công dụng, chỉ định và phối hợp:

Thường dùng trị:

1. Viêm phế quản mạn tính, hen phế quản;

2. Chứng sợ nước. Liều dùng 15-30g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài trị mụn nhọt và viêm mủ da, vết thương chảy máu, giã cây tươi đắp.

Đơn thuốc:

Chữa viêm phế quản mạn tính (ở Trung Quốc): Cà hai hoa 60g, Dây gắm 30g, đường kính 15g. Ngâm nước một đêm, rồi nấu; lọc nước, cô lại chừng 200ml, chia 3 lần uống trong ngày. Liệu trình điều trị là 10 ngày.

Ghi chú: Cây có độc, dễ gây choáng váng, buồn nôn và mửa; nhưng nếu không dùng tiếp thì các hiện tượng sẽ mất dần.