Bạch truật họ cúc, có nguồn gốc từ Trung Quốc, được di thực vào Việt Nam, có ở vùng núi và trung du phía Bắc nước ta. Bạch truật là vị thuốc được Đông y sử dụng từ lâu đời. Trước khi sử dụng có thể sao vàng, sao cám, sao cháy, sao đất, chích mật ong… Về mặt hoá học, rễ bạch truật có tinh dầu, chủ yếu là atractylon, acetoxy atractylon, hydroxy atractylon…; các dẫn chất lacton như atractylolid I, II, III.
Contents
Bạch truật
Bạch truật – Atractylodes macrocephala Koidz., thuộc họ Cúc – Asleraceae.
Mô tả:
Cây bạch truật cao 40-60cm, sống nhiều năm. Rễ thành củ mập, có vỏ ngoài màu vàng xám. Lá mọc so le, mép khía răng, lá ở gốc có cuống dài, xẻ 3 thuỳ; lá gần cụm hoa có cuống ngắn, không chia thuỳ. Cụm hoa hình đầu, ở ngọn; hoa nhỏ màu tím. Quả bế có túm lông dài. Mùa hoa quả tháng 8-10. Bộ phận dùng: Thân rễ – Rhizoma Atractylodis macrocephalae, thường gọi là Bạch truật.
Nơi sống và thu hái:
Khoảng năm 1960, ta nhập nội đem trồng thử ở Bắc Hà và Sa Pa tỉnh Lào Cai, nay được đem trồng ở nhiều nơi cả miền núi và đồng bằng. Trồng bằng hạt vào tháng giêng hoặc tháng 3, hoặc tháng 9-10 ở vùng núi và từ tháng 10 đến đầu tháng 11 ở đồng bằng. Trong 2 năm thì có thể thu hoạch dược liệu; nhưng trồng ở đồng bằng thì chỉ cần 8-10 tháng. Thu hoạch rễ củ vào tháng 6-7 (ở đồng bằng) và tháng 12 (ở miền núi) khi lá ở gốc đã khô vàng; cắt bỏ rễ con, rửa sạch, sấy lưu huỳnh 12 giờ, rồi phơi khô. Củ cứng chắc, vỏ màu nâu, ruột trắng ngà, có mùi thơm nhẹ là loại tốt. Khi dùng, đắp nước vào khâu ủ rễ cho mềm rồi thái miếng.
Thành phần hoá học:
Củ chứa 1,4% tinh dầu. Thành phần của tinh dầu gồm: atractylol, atractylenolid I, II và III, endesmol và vitamin A.
Tính vị, tác dụng:
Bạch truật có vị ngọt đắng, mùi thơm nhẹ, tính ấm, có tác dụng kiện tỳ, táo thấp, chỉ tả, hoà trung, lợi thuỷ, an thai.
Công dụng, chỉ định và phối hợp:
Bạch truật được xem là một vị thuốc bổ bồi dưỡng và được dùng chữa viêm loét dạ dày, suy giảm chức phận gan, ăn chậm tiêu, nôn mửa, ỉa chảy phân sống, viêm ruột mạn tính, ốm nghén, có thai đau bụng, sốt ra mồ hôi. Cũng dùng làm thuốc lợi tiểu, trị ho, trị đái tháo đường.
Ngày dùng 6-12g, dạng thuốc sắc, bột hoặc cao. Người đau bụng do âm hư nhiệt trướng, đại tiện táo, háo khát không dùng.
Ðơn thuốc:
1. Thuốc bổ và chữa dị ứng:
Bạch truật 6kg cho ngập nước vào nồi đất hay đồ sành, đồ sắt tráng men, nấu cạn còn một nửa, gạn lấy nước, thêm nước mới, làm như vậy 3 lần. Trộn 3 nước lại cô đặc thành cao. Ngày uống 2-3 thìa cao này.
2. Viêm gan nhiễm trùng:
Bạch truật 9g. Nhân trần 30g, Trạch tả 9g. Dành dành 9g. Phục linh 12g, nước 450ml sắc còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.
3. Viêm dạ dày cấp và mạn tính, bệnh về máu:
Bạch truật 6g. Trần bì 4,5g, Toan táo nhân 3g. Hậu phác 4,5g. Gừng 3g, Cam thảo 1,5g nước 600ml, sắc, sau đó lọc, chia làm 3 lần uống trong ngày.
Bài thuốc chữa bệnh từ bạch truật khác:
1. Bụng đau, đầy trướng, buồn nôn, tiêu chảy:
bạch truật (sao cám), hậu phác, trần bì, đại phúc bì, tử tô, bạch chỉ, bạch linh, bán hạ (chế), cát cánh, cam thảo mỗi vị 8g; hoắc hương 12g. Tất cả tán thành bột mịn, chia làm 2-3 lần uống với nước gừng tươi trong ngày, trước bữa ăn. Uống liền vài ba thang đến khi hết các triệu chứng.
2. Bụng đầy, kém ăn, phân sống nát:
bạch truật, mạch nha, bạch linh mỗi vị 8g; bán hạ (chế), đảng sâm mỗi vị 12g; hậu phác 16g; chỉ thực, hoàng liên mỗi vị 20g; cam thảo (chích gừng), can khương mỗi vị 4g. Tất cả tán mịn làm hoàn, ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 8 – 10g, trước bữa ăn. Dùng liền 1 – 2 tuần lễ, đến khi các triệu chứng thuyên giảm. Sau đó tùy theo tình hình bệnh có thể uống tiếp.
3. Bụng đầy trướng, ăn không tiêu, táo bón:
bạch truật, hoàng liên, hoàng cầm, bạch linh mỗi vị 12g; chỉ thực, thần khúc mỗi vị 20g; đại hoàng 40g; trạch tả 8g. Tất cả tán mịn làm hoàn, ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 8 – 10g, trước bữa ăn. Dùng liền 1- 2 tuần lễ.
4. Viêm dạ dày cấp và mạn tính:
bạch truật 10g; trần bì, hậu phác mỗi vị 9g; hắc táo nhân 6g; cam thảo 8g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, trước bữa ăn. Uống liền 3 – 4 tuần lễ.
5. Kém ăn, kém ngủ, cơ thể suy yếu:
bạch truật, hoàng kỳ, phục thần, hắc táo nhân mỗi vị 12g; đảng sâm, mộc hương mỗi vị 6g; đương quy, cam thảo, viễn chí mỗi vị 4g. Sắc uống, ngày 1 thang, chia 3 lần, sau bữa ăn từ 1,5 đến 2 tiếng. Uống liền 3 – 4 tuần lễ.
6. Áp-xe gan:
bạch truật, trạch tả, chi tử mỗi vị 9g; phục linh 12g; nhân trần 30g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, trước bữa ăn. Uống liền 3 – 4 tuần lễ
7. Đái tháo đường:
bạch truật, bạch linh, hoài sơn mỗi vị 12g; hoàng kỳ, đảng sâm mỗi vị 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần, trước bữa ăn. Đợt điều trị 2 tháng.
8. Sa dạ dày, sa tử cung, trĩ…:
bạch truật, hoàng kỳ, đảng sâm mỗi vị 12g; đương quy 8g; sài hồ, thăng ma, cam thảo mỗi vị 6g; trần bì 4g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống liền 3 – 4 tuần lễ. Nghỉ một tuần lễ. Sau đó có thể uống thêm một liệu trình nữa.
9. Cơ thể mệt mỏi do chân khí kém:
bạch truật, bạch linh, cam thảo, đẳng sâm (nhân sâm) mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần, sau bữa ăn. Uống liền 2-3 tuần lễ.
Lưu ý: Tránh nhầm lẫn bạch truật với cây nam truật [Gynnura japonica (Thunb.), G. segetum (Lour.) Merr. hoặc cây G. procumbens ], họ cúc (Asteraceae), được trồng ở Hải Dương, Hưng Yên… Dùng rễ nam truật phối hợp với các vị thuốc khác như mạch môn, sinh địa, hoài sơn… trị đái tháo đường, viêm gan virut, viêm dạ dày.
BẠCH TRUẬT DƯỠNG DA, TRỊ TÀN NHANG…
Trong bạch truật có khoảng 1.5‰ tinh dầu màu nâu vàng, atractylol (có tác dụng chống suy giảm chức phận gan, atractylenolid I, II và III (Các chất Atractylenolid I, II, III có tác dụng chống viêm và dịch chiết nước của Bạch truật có tác dụng chống viêm khớp rất rõ), eudesmol và vitamin A, glycosid, inulin và muối kali atractylat -> RẤT HIỆU QUẢ trong việc ĐIỀU TRỊ TÀN NHANG, giúp da sáng lên trông thấy nếu áp dụng kiên trì trong 1 thời gian nhất định.
1. BẠCH TRUẬT NGÂM DẤM
Công thức này để điều trị tàn nhang nhé
– 100gam bạch truật
– 250ml dấm táo mèo
– 1 lọ thuỷ tinh 500ml
Cách làm:
rửa sạch củ bạch truật tươi, thái mỏng phơi cho khô ráo nước sau đó bỏ vào lọ thuỷ tinh, chế ngập dấm táo mèo vào để 2 tuần là dùng được. Nếu không mua được củ tươi, các mom có thể mua bạch truật khô đã được thái lát sẵn ( ở các tiệm thuốc Bắc, hoặc khu Hải Thượng Lãn Ông) đem về, cũng rửa sạch sẽ rồi phơi khô xong hãy ngâm dấm nhé!
Cách dùng:
Lấy tăm bông chấm dung dịch này lên các vết thâm, nám, tàn nhang 3-4 lần liên tiếp, cứ thoa xong đợi khô khô tầm 3-5 phút sau lại thoa tiếp như thế nhé. Thoa liên tục trong tầm ít nhất 1 tháng để thấy được kết quả, mà nhớ là THOA VÀO BUỔI TỐI trước khi đi ngủ nhe. Cách này rất dễ làm và áp dụng phải không ạ? Ngoài ra cũng có thể dùng dấm ngâm bạch truật này để làm tonner dưỡng da ( nhưng chú ý nên pha loãng để tránh kích ứng)
Note: Trên mạng đa số công thức đều hướng dẫn dùng 500ml dấm và 50g bạch truật (tươi), thế nhưng với công thức này thì không ép-phê đâu ạ, mình đã test thử: chỉ xộc 1 mùi dấm là dấm!!! Mà cách mình note trên đây là dùng cho bạch truật đã được phơi khô (nên cũng đã mất chút ít chất) và các mom chú ý nên dùng DẤM TÁO MÈO – loại này thường được khuyên dùng cho việc làm đẹp nhé!
2. BẠCH TRUẬT NGÂM RƯỢU
Công thức này giúp cho da dẻ trắng hồng cỡ…Ngọc Trinh!! hi hi, chắc mình nói hơi quá, vì Ngọc Trinh trắng bóc kiểu tắm trắng, còn công thức này sẽ giúp da dẻ của mình TRẮNG HỒNG KHOẺ KHOẮN nhé!
– 1kg nghệ đen
– 500gam bạch truật
– 2 lít rượu gạo ( đặt loại 30 độ)
– Hũ thuỷ tinh 5 lít
Cách làm:
Cũng y như bài rượu nghệ đen mình đã hướng dẫn ở bài trước, các mom rửa sạch nghệ, cạo bỏ mắt, phần hư thối, đất cát đi hết sau đó phơi khô ráo rồi bỏ máy xay (chế rượu vào) xay nhuyễn.
Bạch truật mua về rửa sạch, phơi khô ráo ( thường thì đã được bào mỏng), nếu thích cũng có thể bỏ máy xay xay nhuyễn, nhưng mẹ Dumy thì để y vậy để nhìn cho đẹp í mà!
Trút hết nghệ đen và bạch truật vào hũ thuỷ tinh, chế ngập rượu. Dùng đũa dài khuấy đảo đều hỗn hợp sau đó đậy kín nắp, để nơi thoáng mát. Sau 100 NGÀY có thể lấy ra dùng được rồi!
Cách dùng:
– Rót ít rượu ra chén, dùng bông gòn thấm hỗn hợp rồi thoa toàn thân và mặt 2-3 lần ( cứ thoa xong đợi khô thì thoa lại)
– Nên thoa vào buổi chiều tối, sau khi tắm.
– Dùng mỗi ngày sau 1 tháng để thấy kết quả nhé!
– Khi đã dưỡng trắng thì cần GIỮ da khi đi ra ngoài nắng bằng cách BÔI KEM CHỐNG NẮNG và CHE CHẮN cẩn thận.
– Mẹ BẦU và mẹ SAU KHI SINH xài cực tốt nhé!
3. DƯỠNG TRẮNG
Nói thế không có nghĩa là thoa lên là nó trắng như thế luôn đâu ạ, mà chỉ ngay cái lúc vừa đắp xong thì nó trắng mịn dã man, nhưng sau đó từ từ …trở về hiện trạng ban đầu! hì hì!! Nhưng khoan chớ vội thất vọng nha, vì nếu siêng đắp cái mask này 1 tuần 3 lần thì bảo đảm * Trắng sáng lâu dài*, đã vậy mask này chống lão hoá cực tốt nữa ạ!
* Bột Bạch Truật 50%
* Bột Ngọc Trai 20%
* Bột Cam Thảo 15%
* Bột Yến mạch 15%
Đây chính là công thức làm đẹp, làm trắng mịn, chống lão hoá da của nàng Dương Quý Phi hồi xưa đây mà!! (các mom có thể mua nguyên liệu về tự xay như xay trà xanh mà mình đã từng hướng dẫn nhé)
Cách dùng:
– hoà 1 muỗng cafe hỗn hợp bột với 1 ít nước ấm hoặc sữa tươi không đường, khuấy đều rồi thoa lên da mặt ( đã được rửa sạch nhé)
– Để 15-20 phút rồi rửa lại nhẹ nhàng với nước sạch. Đắp 1 tuần 2-3 lần.
Cái mask này mẹ Dumy hiện giờ bị ghiền nặng, mỗi lần đắp mask mỏng dính, vậy mà sau 20 phút rửa lại mặt, thì rờ lên thấy da mịn và trắng bóc đến ngỡ ngàng.
Xem thêm: Cà dại hoa tím, Cà dại hoa trắng chữa đau dạ dày? Top 6 cây thuốc chữa đau dạ dày hiệu quả nhất theo sách cổ!