Tiên hạc thảo còn gọi là Long nha thảo là toàn cây ( bộ phận trên đất ) phơi hay sấy khô của cây Long nha thảo Agrimoni pilosa Ledeb, dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách ” Đồ kinh bản thảo”.
Cây mọc hoang nhiều ở miền Bắc nước ta nhưng chưa được khai thác. Ở Trung quốc mọc nhiều ở các tỉnh Triết giang, Giang tô, Hồ bắc, Phúc kiến, Quảng đông, Vân nam … Ở Châu âu, Nhật bản ,Triều tiên cũng có. Thuốc có tên gọi khác như Kim đính, Long nha, Long nha thảo, Thóat lực thảo.
Contents
Tiên Hạc Thảo là gì?
Tiên hạc thảo còn có một số tên khác, như long nha thảo, qua hương thảo, tử mẫu thảo, hoàng hoa thảo, thoát lực thảo, địa thiên thảo, phụ tử thảo, mao kê thảo, lang nha thảo, tả lị thảo; tên khoa học là – Agrimonia nepalensis D. Don (Agrimonia eupatoria auct. non L.); thuộc họ hoa hồng (Rosaceae). Là loài cây mọc ở cả châu Âu và châu Á. Tại Việt Nam, tiên hạc thảo mọc hoang nhiều trên các vùng núi cao ở các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng…
Về mặt thực vật, tiên hạc thảo là loại cỏ sống lâu năm, cao 0,5-1,5m; toàn thân có vạch dọc và mang lông trắng, nhiều cành. Thân rễ mọc ngang, đường kính có thể đạt tới 1cm. Đầu mùa hè cây đâm mầm, mọc ra nhiều cánh, lá xum xuê. Lá mọc so le, kép lông chim, dìa lẻ; lá chét hình trứng dài, mép có răng cưa to. Cạnh những lá chét to có nhiều lá chét nhỏ. Lá chét to dài chừng 6cm, rộng chừng 2,5cm; lá chét nhỏ có khi chỉ dài 5mm. Cả hai mặt lá đều mang nhiều lông. Hoa nhỏ mọc thành chùm mọc ở đầu cành hoặc kẽ lá. Cánh hoa màu vàng. Quả gồm 2-3 quả bế bọc xung quanh bởi đế hoa có đài ở mép trên. Toàn bộ có nhiều gai. Để dùng làm thuốc, thường dùng toàn cây, dùng tươi hoặc phơi hay sấy khô.
Tính vị qui kinh:
Vị đắng sáp, tính bình. Qui kinh Phế ,Can, Tỳ.
Theo các sách cổ:
Sách Đồ kinh bản thảo: Rễ vị cay, sáp, ôn, không độc.
Sách Trấn nam bản thảo: tính hơi ôn, vị đắng sáp.
Sách Sinh thảo dược tính bị yếu: Vị điềm ( ngọt), tính bình.
Thành phần chủ yếu:
Agrimonine, Agrimonolide, Cosmosiin, Agrimon A,B,C,D,E, Saponin, Luteolin-7-beta-glucozide, Apigenin-7-beta-glucozide, tannin.
Giá trị dược tính:
Trong sách thuốc Đông y hiện đại, tiên hạc thảo được xếp trong loại thuốc “chỉ huyết” – thuốc chống chảy máu. Loại thuốc chỉ huyết Đông y phân chia thành 4 nhóm nhỏ, tùy theo cơ chế tác động lên huyết dịch: lương huyết chỉ huyết, hóa ứ chỉ huyết, thu liễm chỉ huyết và ôn kinh chỉ huyết. Tiên hạc thảo được xếp trong nhóm “thu liễm chỉ huyết”, cùng với bạch cập, tử chu, huyết dư thán, ngẫu tiết…
Theo Đông y, tiên hạc thảo có vị đắng chát, tính ấm, vào 4 kinh tâm, phế, can và thận. Có tác dụng thu liễm chỉ huyết, trị lỵ (chữa kiết lỵ), tiệt ngược (chống sốt rét), bổ hư (bồi dưỡng cơ thể). Thời xưa, dân gian thường sử dụng tiên hạc thảo làm thuốc cầm máu, chữa thổ huyết, khái huyết (ho ra máu), nục huyết (đổ máu cam), đi lỵ phân lẫn máu, sốt rét và mụn nhọt lở loét ngoài da. Hiện tại trên lâm sàng, tiên hạc thảo thường được sử dụng chữa các bệnh như ban xuất huyết do giảm tiểu cầu, ban xuất huyết do dị ứng, bệnh ưa chảy máu (hemophilia), xuất huyết đường tiêu hóa, xuất huyết đường tiết niệu, xuất huyết tử cung…
Liều dùng hằng ngày: 6-15g, dưới dạng thuốc sắc; một số trường hợp có thể sử dụng liều cao hơn.
Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, tiên hạc thảo là vị thuốc có phổ tác dụng tương đối rộng. Chất agrimonin chiết xuất từ tiên hạc thảo có tác dụng rút ngắn thời gian chảy máu xuống còn 50%, đồng thời làm tăng lượng tiểu cầu trong huyết dịch. Cao thuốc chế từ tiên hạc thảo có tác dụng làm co mạch ngoại biên, tăng tốc độ đông máu rõ ràng. Thuốc nước chế từ tiên hạc thảo có tác dụng ức chế rất mạnh đối với tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn coli, trực khuẩn lỵ, trực khuẩn thương hàn và trực khuẩn lao. Ngoài ra, agrimol trong tiên hạc thảo có tác dụng trừ sán; tannins trong tiên hạc thảo có tác dụng chống virut gây bệnh mụn rộp.
Các kết quả nghiên cứu được lý hiện đại không những đã chứng minh kinh nghiệm sử dụng tiên hạc thảo làm thuốc cầm máu và chữa trị một số chứng bệnh viêm nhiễm là có cơ sở, mà còn phát hiện thêm hai tác dụng mới, đó là tác dụng chống ung thư và HIV.
Kết quả nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy: tiên hạc thảo có tác dụng ức chế mạnh đối với tế bào ung thư mô liên kết S180, ung thư ruột, ung thư gan và một số loại ung thư khác. Còn theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật công bố trên Nhật Bản dược học tạp chí và Hán phương nghiên cứu: Tiên hạc thảo có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư rất mạnh, mà không ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của tế bào bình thường.
Đặt biệt, kết quả nghiên cứu dược lý thập niên gần đây còn phát hiện thêm, tiên hạc thảo có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể; các chất quercetin, lateoin, ursolic acid,… trong tiên hạc thảo có tác dụng ức chế khả năng tái sinh của virut HIV. Hiện tại tiên hạc thảo bắt đầu được sử dụng trên lâm sàng cho các bệnh nhân HIV/AIDS.
Tác dụng dược lý:
A. Theo Y học cổ truyền:
Thu liễm chỉ huyết, cầm lî, sát trùng. Chủ trị các chứng xuất huyết như khái huyết, thổ huyết, nục huyết, niệu huyết, tiện huyết, băng lậu, phúc tả, kiết lî, sốt rét, viêm âm đạo do trùng roi.
Trích đoạn Y văn cổ:
Sách Trấn nam bản thảo: ” Trị phụ nữ kinh nguyệt không đều (sớm hoặc muộn), hồng băng bạch đới, mặt lưng lạnh, bụng đau, thắt lưng đau, phát sốt đầy hơi, xích bạch lî cấp.”
Sách Bản thảo cương mục thập di: ” tiêu súc thực, tán trung mãn, hạ khí, liệu thổ huyết, trị phản vị, ế cách, ngược tật, hầu tý, trường phong hạ huyết, băng lî, thực tích, hoàng bạch đản, đinh thủng, ung thư phế ung, nhũ ung, trĩ sưng”.
Sách Sinh thảo dược tính bị yếu: ” Trị chấn thương do té ngã, cầm máu, tán sang độc”.
Sách Thực vật danh thực đồ khảo: ” Trị phong đàm, yêu thống”.
B. Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
1. Tác dụng cầm máu: Trên lâm sàng đã lâu Tiên hạc thảo được dùng làm thuốc cầm máu, nhưng trên thực nghiệm chưa thấy có tác dụng cầm máu, cần nghiên cứu thêm.
2. Tác dụng với hệ tuần hoàn: Rượu Tiên hạc thảo chích tĩnh mạch cho thỏ và chó đã gây mê làm tăng huyết áp, hưng phấn hô hấp. Nước thuốc cho một phần cồn chiết xuất, trái lại làm hạ huyết áp của thỏ. Thuốc nước và Tiên hạc thảo tố ( Agrimonie) đều có tác dụng cường tim ếch cô lập, tăng nhịp tim và cường độ co bóp của tim. Còn chiết xuất cồn một phần của nước thuốc đối với tim ếch cô lập lại có tác dụng ức chế.
3. Tác dụng đối với cơ trơn: Cồn chiết xuất một phần của nước chiết xuất Tiên hạc thảo, nồng độ thấp có tác dụng hưng phấn ruột cô lập chuột lang, nếu nồng độ cao thì ức chế ruột.
4. Tác dụng kháng viêm: Nước chiết xuất hoặc cồn chiết xuất thuốc đều có tác dụng kháng viêm ( tiêu viêm) đối với viêm kết mạc mắt thỏ thực nghiệm.
5. Tác dụng kháng khuẩn: thuốc có tác dụng ức chế tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn đại tràng, trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn lî Flexner, trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn lao ở người.
6. Diệt trùng roi: Nước sắc lá thân non của cây Tiên hạc thảo có tác dụng diệt trùng roi.
7. Thuốc có tác dụng ức chế tế bào ung thư: thuốc có tác dụng ức chế tế bào ung thư (S180) chuột trắng in vitro cấy tế bào chứng minh Tiên hạc thảo có tác dụng diệt 100% tế bào ung thư nhưng không ảnh hưởng đến sự phát triển của tế bào bình thường.
Cao nước Tiên hạc thảo có tác dụng ức chế mạnh tế bào ung thư ở người JTC-26, nhưng đối với sự phát triển của tế bào bình thường và tế bào xơ hóa không có tác dụng ức chế.
8. Những tác dụng khác của Tiên hạc thảo: Thuốc có tác dụng ức chế cảm giác đau của thỏ, tác dụng hạ đường huyết, hạ thấp chuyển hóa cơ bản của chuột lớn và có tác dụng hưng phấn đối với cơ vân đã mệt mỏi. Thuốc làm tăng độ bền của hồng cầu của thỏ và chuột nhắt.
9. Tác dụng phụ của thuốc: Tiên hạc thảo tố ( Agrimonine) họa hoàn có thể gây tim đập hồi hộp, sắc mặt đỏ do xung huyết.
10. Một số tác giả nghiên cứu thấy: Long nha thảo có làm tăng tốc độ đông máu của chó thỏ. Thuốc kích thích trung khu hô hấp, liều cao lúc đầu làm hô hấp tăng nhanh, sau lại ức chế. Liều độc đối với thỏ là 0,2g/kg thể trọng. Đối với tử cung cô lập, liều nhỏ thuốc hơi có tác dụng hưng phấn, liều cao ngược lại có tác dụng ức chế. Thuốc hơi làm giãn đồng tư û của ếch, tăng sức đề kháng của tế bào.
Ứng dụng lâm sàng:
1. Dùng làm thuốc cầm máu: Trị các chứng ra máu, như ho ra máu, chảy máu cam, tiêu ra máu, nôn ra máu.
Tiên hạc thảo 12 – 20g sắc nước gia ít đường uống ngày 2 lần.
Tiên hạc thảo 20g, Thuyên thảo 12g, Ngẫu tiết 20g, sắc uống.
Tiên hạc thảo 20g, Liên phòng than 20g, Hương phụ sao 6g, sắc uống trị xuất huyết tử cung cơ năng.
2. Trị xuất huyết đường tiêu hóa trên: Đỗ bá Ngôn dùng bài thuốc gồm: Tiên hạc thảo 30g, Hồng táo 10 quả sắc uống, ngày 1 thang,bột Bạch cập 6g ngày 3 lần, có một số bệnh nhân dùng thêm Bổ trung ích khí gia giảm. Trị 100 ca kết quả tốt 70%. Trong số 70 ca tốt, phân thử máu chuyển âm tính: 1 – 3 ngày (28,57%), 4 – 6 ngày (41,42%), trên 7 ngày 30% ( Tạp chí trung y dược Thượng hải 1979,4:28).
3. Trị viêm âm đạo do trùng roi: Dùng thân lá non Tiên hạc thảo chế thành cao cô đặc 100% bôi lên toàn bộ âm đạo, rồi tẩm thuốc vào nút bông đặt vào âm đạo, 3 – 4 giờ lấy ra ( bệnh nhân tự lấy). Mỗi ngày một lần, 7 ngày là một liệu trình. Đã trị 40 ca khỏi 37 ca, tỷ lệ khỏi 92,5%, có kết quả 3 ca ( Báo cáo của bệnh viện số 4 tỉnh Liêu ninh, Thông tin Trung y dược thảo 1972,1:37)
4. Cầm chảy máu do chấn thương: Tiên hạc thảo 10 phần, Gừng tươi 7 phần tất cả xắt nhỏ sao tồn tính tán bột mịn, đắp ngoài cầm máu.
5. Trị viêm ruột, kiết lî (mạn tính tốt hơn):
Tiên hạc thảo 20g sắc nước gia đường trắng 20g hòa uống.
6. Trị sán ( Taeniasis): Dùng rễ Tiên hạc thảo và mầm non ( đông nha) rửa sạch cạo vỏ ngoài phơi khô tán bột, người lớn mỗi lần uống 50g, trẻ em uống 1g/kg thể trọng, uống vào sáng sớm lúc bụng đói, sau 2 giờ chưa đại tiện, uống thuốc tẩy.
7. Trị mụn nhọt, trĩ viêm tấy: Dùng cao đặc Tiên hạc thảo gia ít mật ong bôi vào. Có thể trị viêm tuyến vú.
8. Chống mệt mỏi: Dùng Tiên hạc thảo tươi 80g, Đại táo 40g sắc uống. Bài thuốc này có thể dùng trị thiếu máu.
9. Trị sốt rét: Dùng bột Tiên hạc thảo 9gam sao rượu uống trước khi lên cơn hoặc dùng lượng lớn sắc uống ( Quí châu dân gian phương dược tập).
Truyền thuyết về tiên hạc thảo:
Tương truyền, thời xưa có hai chàng tú tài lên kinh dự thi. Do sợ đến muộn, khi đi qua một vùng núi, trời nắng gắt, vẫn không dám nghỉ.
Do quá mệt mỏi, một người bỗng nhiên lên cơn sốt, máu từ mũi chảy ra không ngừng. Họ đành dừng lại tìm cách chữa trị. Nhưng ở nơi hoang dã ấy, làm sao có thể tìm thầy thuốc, mà chung quanh cũng không có thứ gì có thể dùng để chữa trị. Đang lúc bối rối, không biết phải làm gì, thì có một con hạc trắng, mỏ ngậm một nhánh cây bay qua. Hạc trắng nhìn thấy họ, lượn quanh mấy vòng, rồi thả cành cây đang ngậm xuống ngay trước mặt chàng tú tài đang bị bệnh nặng, rồi lại bay đi. Chàng trai cầm lấy nhánh cây, thử đưa vào miệng nhai, cảm thấy đỡ khát, người mát dần, rất dễ chịu, chẳng bao lâu máu từ mũi cũng ngừng chảy. Hai người rất ngạc nhiên, nghỉ thêm một lát, lại tiếp tục lên đường. Họ kịp đến kinh đô dự thi và đều được đăng quang tiến sĩ. Sau khi nhậm chức, chàng trai mang mẫu cây về cho các thầy thuốc ở kinh đô nghiên cứu, đã phát hiện đó là một loại thuốc có tác dụng cầm máu rất tốt. Liền quyết định đặt tên là “tiên hạc thảo” (cỏ hạc tiên), để tỏ lòng biết ơn con hạc đã giúp họ trong lúc hiểm nghèo.
Món ăn tiên hạc thảo:
Tiên hạc thảo hầm gan lợn: tiên hạc thảo tươi 20 – 30g, gan lợn 90 – 120g. Tiên hạc thảo bỏ các rễ mầm rửa sạch, gan lợn thái lát, thêm nước, đun sôi kỹ, vớt bỏ bã thuốc, thêm gia vị. Ăn gan và uống nước canh. Dùng cho các trường hợp còi xương suy dinh dưỡng trẻ em (tiểu nhi cam tích). Nước sắc tiên hạc thảo đại táo: tiên hạc thảo 100g, đại táo 10 quả.
Tiên hạc thảo thái lát; đại táo xé. Sắc lấy nước cho uống. Dùng cho chứng bệnh viêm nhiễm sốt có triệu chứng xuất huyết (sốt xuất huyết, xuất huyết đường tiêu hóa…)
Nước sắc tiên hạc thảo đường đỏ trứng gà: tiên hạc thảo 30g, trứng gà 5 – 10 quả, đường đỏ 30g. Sắc tiên hạc thảo lấy nước bỏ bã, cho đường đỏ, trứng gà vào khuấy tan, đun sôi cho chín trứng gà. Dùng cho các trường hợp dọa sẩy thai, xuất huyết rỉ rả…
Tiên hạc thảo chưng rượu: tiên hạc thảo 30g, đem chưng với 500ml rượu. Dùng cho các trường hợp viêm tắc sữa, áp-xe vú khởi phát.
Một số bài thuốc tiên hạc thảo:
– Chữa các chứng xuất huyết (khái huyết, thổ huyết, tiện huyết, niệu huyết, băng lậu): Dùng tiên hạc thảo 30-50g tươi, giã vắt lấy nước uống. Hoặc dùng tiên hạc thảo 15g khô sắc nước uống. Tùy theo bệnh tình, có thể phối hợp với hòe hoa, hạn liên thảo (cỏ nhọ nồi) 10g, bồ hoàng,… cùng sắc nước uống.
– Chữa ban xuất huyết do giảm tiểu cầu: dùng tiên hạc thảo 20g, đan bì 10g, sinh địa 10g, kim ngân hoa 12g, tử thảo 10g, sắc nước uống trong ngày.
– Chữa nổi hạch, tràng nhạc: tiên hạc thảo 20g, nga truật, ngưu tất, xạ can, huyền sâm, mỗi vị 12g, sắc uống.
– Hỗ trợ điều trị ung thư:
Ung thư phổi ra mồ hôi trộm: dùng tiên hạc thảo 15g, hồng táo 10 trái, sắc nước uống thay trà trong ngày.
Ung thư vú giai đoạn đầu: tiên hạc thảo 30g, bồ công anh 30g, ngâm trong 500ml rượu trắng, sau 40-50 ngày chắt lấy rượu thuốc. Ngày uống 3 lần, mỗi lần dùng 10ml rượu thuốc, hòa thêm 1 thìa mật ong uống.
Ung thư trực tràng, ung thư cổ tử cung: tiên hạc thảo, bại tương thảo, mỗi thứ 50g, sắc nước uống thay trà trong ngày.
– Chữa xuất huyết ở bệnh nhân HIV/AIDS: Dùng tiên hạc thảo 30g, bạch mao căn 30g, hải kim sa 30, bạch hoa xà thiệt thảo 30g, chi tử 15g, xa tiền thảo; sắc nước uống trong ngày. Dùng trong trường hợp bị lây nhiễm HIV, phát hiện với các triệu chứng: niệu huyết, chân răng xuất huyết và chảy máu mũi (theo tài liệu Trung Quốc).
Liều lượng và chú ý:
Uống 10 -15g, có thể dùng liều cao 30 -60g, cho vào thuốc thang.
Dùng ngoài, lượng tùy theo yêu cầu. Giã nát đắp, dùng bột, cao bôi hoặc dùng nước rửa.