Cây bí bái hay còn gọi là bái bái thuộc họ Cam, cao chừng 5-10m. Tên khoa học là ACRONYCHIA PEDUNCULATA. Bí bái sinh sống và phát triển nhiều ở Việt Nam, toàn Đông Dương. Cây có nhiều tác dụng tốt trong đông y, thường dùng chữa cảm ho, đầy bụng, khó tiêu vv…
Contents
Phân bổ?
Cây bí bái còn gọi là cây của Ðông Dương và Viễn Ðông, thường mọc ở trong rừng thứ sinh, rừng còi, ven rừng và đồi cây bụi vùng trung du và miền núi từ Hoà Bình, Vĩnh Phú, Hà Bắc đến các tỉnh phía Nam.
Bộ phận sử dụng?
Toà bộ cây bí bái đều có thể sử dụng được. Các bộ phẩn của cây được hái quanh năm đem thái phiến, phơi khô. Còn quả thì thu hái vào mùa thu – đông, đồ với nước nóng rồi phơi.
Nhận biết?
Cây gỗ nhỏ thường xanh cao 5-10m. Cành già màu nâu đỏ, vỏ có mùi xoài. Lá mọc đối phiến hình trái xoan thuôn dài 5-15cm, rộng 2,5-6cm, có những điểm tuyến tiết tinh dầu; lá non có lông, lá già nhẵn; cuống dài phù ở hai đầu, cũng thơm mùi xoài. Cụm hoa hình ngù, mọc ở nách lá hay đầu cành. Hoa trắng xanh xanh, thơm, có 4 lá đài, 4 cánh hoa, 6 nhị và bầu 1 ô. Quả hạch hình cầu nạc, có múi, khi chín màu vàng nhạt hay trắng hồng, ngọt, thơm thơm, ăn được; hạt dài, cứng, đen.
Dược tính?
Theo một số nghiên cứu chỉ ra rằng, trong lá bí bái chứa 1,25% tinh dầu; còn có alcaloid acronycin. Bí bái có vị ngọt, thơm, hơi cay, tính bình. Vỏ đắng và chát. Rễ, gỗ, lá có tác dụng khư phong hoạt huyết, hành khí giảm đau. Quả kiện tỳ tiêu thực.
Công dụng?
1. Lá rau bí bái được dùng để làm rau.
Lá Bí Bái non ăn sống được, hương vị lá có mùi hương thơm nhẹ của quả xoài nên rất dễ ăn. Lá rau bí bái có thể dùng để ăn sống, bóp gỏi, xào, nấu với nhiều món khác nhau.
2. Lá rau bí bái dùng làm dược liệu
Trị Ðau thấp khớp, đau dạ dày, đau thoát vị. Chán ăn, đầy bụng, khó tiêu.
3. Chữa Cảm mạo, ho.
4/ Phù lôi.
Liều dùng 10-15g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài chữa ghẻ chốc, mụn nhọt, đòn ngã tổn thương, lấy vỏ thân, lá nấu nước cho đặc để tắm, xát. Nhân dân ta thường dùng lá sắc uống chữa đau dạ dày và các chứng sưng đau. Còn dùng lá sao vàng, nấu nước cho sản phụ uống thay chè giúp ăn ngon cơm và thông huyết ứ. Lại có tác dụng trị phù lỏi.
Ðơn thuốc:
1. Chữa phong thấp, gối lưng đau mỏi, bị thương sưng đau: 15-20g rễ hay lõi gỗ Bí bái sắc uống hoặc tán bột uống. Cũng dùng lá tươi đắp chỗ đau.
2. Cảm sốt và ho; 20g lá Bí bái sắc uống.
3. Chữa ăn uống kém tiêu: 15g quả Bí bái sắc uống.
Nhật ký về thầy lang sử dụng bí bái?
Khi tôi tới nơi thì bà Sáu đang ngồi ở thêm nhà, người bà mập chắc, làn da sậm và óng màu thời gian, tóc bà để ngắn, và một giọng nói khỏe khoắn. Tôi chào bà và nói về mục đích của mình, bà rất vui vẻ mời tôi vào ngồi cùng trò chuyện. Tôi muốn bà chỉ cho tôi những loại cây thuốc mà thường sử dụng để giúp chữa bệnh cho gia đình và những người xung quanh. Đầu tiên, tôi hỏi bà về những bệnh phổ biến ở khu vực này từ trước tới giờ.
Bà nói rằng: Căn bệnh nhiều nhất ở đây bây giờ không phải là sốt rét như những năm về trước nữa mà là bệnh gan, có rất nhiều người bị bệnh về gan, phổ biến là nóng gan, phát mụn, những người nào bệnh nặng thì bị sơ gan, u gan. Vậy có những cây thuốc nào được dùng để trị gan?
– Tôi hỏi. Nói về gan thì ở khu vực này có rất nhiều loại cây mà người ta có thể trị gan như là: Thứ nhất là cây Lạc Tiên, có nơi gọi là cây Nhãn Lồng, hay người dân tộc Chơ ro gọi đó là cây Chòm Bao là một vị thuốc rất mát, để trị gan. Cây thứ hai mà để trị gan đó là cây Hồng Gấm hay còn gọi là cây Da Lợn theo tiếng dân tộc, cây này là loại cây quý, hầu như thang thuốc nào cũng cần tới nó, nó thường mọc ở trong rừng, dạng dây leo.
Cây nữa là cây Thần Thông, vị hơi đắng, có tác dụng trị gan, tiếp theo là cây Mật Nhân. Nói về cây Mật Nhân thì ở đây người ta lấy nó rất phổ biến, nhà ông Năm mà tôi thường đến cũng có một mẹt mật nhân phơi, đó là thân của cây mật nhân được thái thành lát mỏng. Cây trị đau khớp thì có cây Da Cóc mọc trong rừng, và cây Cà Dăm (theo bà nó giống như cây Chòi Mòi) có thể trị nhức mỏi và làm tan máu bầm. Về bệnh đau khớp thì bà kể rằng, trong vườn nhà bà có một loại cây rất tốt đó là cây Châm Ổi. Bà vừa nói vừa đi ra vườn ngắt cho tôi xem cây Châm Ổi, sau đó bà nói: Ngắt lá của cây này dã nát ra rồi đem đi xào với dấm, đắp vào lưng hay vào chỗ nào khớp bị nhức mỏi là sẽ khỏi.
Tôi tiếp tục hỏi về bệnh sốt rét, bà nói: Còn về bệnh sốt rét rừng thì lâu giờ có ai bị không. Hồi mới đến đây thì nhiều, nhưng giờ cũng ít người bị. Bà nói nếu bị sốt rét thì có một loại cây mà người Choro gọi đó là cây Bí Bái. Lá nó có nhiều nhánh.
Tôi nghĩ thầm: Hai đó chính là loại cây mà ông bà Chín (một người rành thuốc nam cùng địa phương) đã giấu nó không nói cho tôi biết. Tôi hỏi thêm, cây trị sốt rét mọc trong rừng chỉ có một loài cây đó thôi ạ? Bà nói theo như dì biết thì có loại cây đó, trị sốt rất tốt, không thứ nào bằng, lá của nó mình lấy vừa đủ, một ấm nước thì chỉ lấy một nắm. Lời chia sẻ này giống hệt như cách mà người dân tộc kia đã chữa cho ông Dũng (chồng bà Chín được người Choro chữa sốt rét). Vậy là tôi đã có phần chắc chắn, hai người đều nói về một cây đó là cây Bí Bái. Nhân tiện nhắc đến người Cho ro, tôi đã dần dần lật là những điểm nhấn trong cuộc đời làm nghề thuốc của bà.
Bà là người thứ Sáu trong số những anh em trong nhà, chồng bà tên Huỳnh Văn Quân nên người ta thường gọi bà là bà Sáu Quân. Bà tới rừng thiêng nước độc này cũng cùng thời với ông Dũng, từ năm 1983. Năm 1998 bà bị mắc bệnh hẹp van tim, đi trị ở các bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh, các bác sĩ nói bà phải mổ thì mới hết bệnh. Và chi phí cho ca mổ của bà hết 26 triệu đồng theo như định giá của các bác sỹ. Bà nghĩ rằng, hai sáu triệu ở thời điểm năm đó là không thể đối với gia đình bà. Lúc đó nhà bà nghèo lắm, gạo còn phải đi vay. Nếu bán hết đất đai, rẫy nhà cửa đi thì cũng chỉ được hơn một nửa. Lúc đó bà đã chấp nhận cái chết sẽ đến với bà.
Bà nói: Nếu như mình mổ xong mà sống được thì sau đó chồng con sẽ sống bằng cái gì, nhà cửa sẽ ra sao?
Nên bà nói với chồng đưa bà về, sống được đến bao giờ thì sống. Đến năm 2001, bà đã yếu dần rồi đến một thời điểm bà nằm liệt ở giường, thoi thóp để chờ chết. Đúng lúc này thì có một kỳ tích đã tới. Một người dân tộc Chơ ro đi bán thuốc ngang qua nhà bà xin chén cơm ăn, và nước uống cho đỡ đói khát. Ông Quân tuy rằng bà bị bệnh nhưng vẫn tiếp đón ông người dân tộc đó rất tử tế, các con ông vẫn mang cơm, mang nước mời người dân tộc. Người Chơ ro thấy bà Sáu nằm liệt giường mới hỏi thăm bệnh, bà mới kể hết sự tình, lúc đó người Chơ ro mới nói ông vốn là một thầy Lang, ông đến đây để bán thuốc sinh sống.
Bà Sáu nói: Lúc đó, cả nhà đều không có tin rằng ông ta có thể chữa được cho bà, vì bác sỉ nói bệnh của bà nếu không mổ thì chỉ chết mà thôi. Thầy Lang Chơ ro nói, tôi có thang thuốc này, bà cứ dùng thử. Rồi ông cắt thuốc cho bà uống, ông để lại ba thang thuốc uống cho ba ngày. Ba ngày sau bà thấy mình đã ăn uống lại được. Hiệu quả thật bất ngờ. Đến ngày thứ ba, ông thầy thuốc Chơ ro quay trở lại, đầu tiên bà Sáu nói ông Thầy chỉ cho những vị gì có trong thang thuốc này, để sau này có ai mắc bệnh còn đi cứu người ta.
Vậy là ông Thầy Lang hào phóng nói: Tôi thấy ông bà ăn ở cũng tốt bụng, tôi sẽ chỉ cho những bệnh chứng và những thang thuốc để chữa bệnh. Và vợ chồng bà lấy giấy bút ra ghi lại tên thuốc, thang thuốc, đồng thời ông lấy mẫu các vị thuốc ra đưa cho bà mỗi thứ một ít. Học của Thầy Lang Chơ ro chỉ trong thời gian ngắn ngủi là hai đêm một ngày. Ông bà đã biết được rất nhiều vị thuốc dân gian và những cây thuốc mọc ở khu vực rừng sâu này.
Trước khi đi ông thầy để lại những lời nhắn nhủ với vợ chồng ông Sáu rằng: Tôi bày cho vợ chồng ông bà, sau này ông bà ráng tạo phúc cho người ta. Tên tôi là gì cũng không cần biết, ông bà không cần trả ơn gì cả. Sau lời nhắn đó, Thầy Lang Chơ ro ra đi và không lần nào quay trở lại đây nữa.
Vợ chồng ông bà Sáu cảm thấy vô cùng kính phục và mang ơn: Ông như một vị bồ tát của gia đình, đã cứu sống tôi còn bày cách chữa bệnh cho tôi. Từ đó chúng tôi thề là sẽ dùng hết sức để làm phước cho người ta.
Sau hai đêm một ngày học được những cây thuốc và vị thuốc, nhiều chỗ bà sáu không biết cây nào vào cây nào, nên một lần nữa bà mang những vị thuốc mà thấy thuốc kia đưa cho để đi vào chùa nhờ ông thầy chùa đầu tiên, đó là vị sư trước cả sư trụ trì bây giờ ở chùa (một ngôi chùa nhỏ trong vùng).
Ông cũng rành biết một số loại cây, ông cùng bà vào rừng chỉ cho bà những loại cây đó. Một số loại cây bà không biết, bà bèn mang những vị thuốc đi tìm những tiệm thuốc đông, thuốc nam để hỏi tên. Tất cả các loại thuốc đó thầy lang Choro chỉ cho ông bà bằng tên dân tộc, nên khó mà biết cây gì. Có khi bà còn lấy tên thuốc đi hỏi cả những người Chơ ro mà ông Sáu quen biết.
Sau một năm vừa làm rẫy, vừa chăn nuôi, vừa tìm hiểu các cây thuốc bà bèn nghĩ rằng: Nếu như mình đã biết những vị thuốc, những cây thuốc mà không biết khám bệnh cho người thì không thể nào chữa bệnh cứu người được. Bà bèn đi cầu thầy dạy bắt mạch, ông Quân thấy bà hồi phục sau cái chết, lại được người ta cứu giúp nên cũng một lòng một dạ giúp đỡ bà, muốn bà học thêm nghề bắt mạch. Họ tìm gặp ông Ba Sang ở ngoài thị trấn, cách ấp bảy cây số nhờ chỉ cho cách bắt mạch. Vậy là bà Sáu đã trải qua ba ông thầy trong nghề thuốc để học hỏi và bây giờ vốn kiến thức của bà về bốc thuốc chữa bệnh theo bà là khá ổn.
Hai năm nay, khu bảo tồn rừng nguyên sinh cấm cho người vào rừng, kể cả lấy thuốc, nhưng ông Sáu quen với vài người kiểm lâm nên thỉnh thoảng khi cần thuốc làm phước cho ai đó thì xin phép mới được vào rừng. Còn tự ý vào không được, nên trong nhà bây giờ cũng ít cây thuốc. Bà vừa nói đến thuốc trong nhà, nên khoe với tôi rằng, dì mới mua được hai ký thuốc này với giá chỉ có 500 ngàn, đây là dì mua hộ người em gái ở Sài Gòn. Mà tại dì quen với mấy người Chơ ro nên mới mua được rẻ thế này, chứ còn ra ngoài tiệm thuốc một triệu mới được một ký. Cô mở ra cho tôi xem đó chính là Bí Kỳ Nam, tôi đã thấy ở nhà ông Năm và nhà anh Sang. Tất cả đều ở dạng thắt lát phơi khô. Vị của Bí Kỳ Nam rất mát, những người không bị bệnh gan cũng có thể uống để làm mát cơ thể và phòng tránh các bệnh về gan.
Sau đó bà Sáu cũng kể cho tôi nghe một số trường hợp mà bà đã chữa. Đầu tiên đó là Biên tập viên Thanh Hiền, dẫn chương trình Đồng Nai, chồng của cô là một giám đốc, nhưng đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác mà vẫn không khỏi bệnh, có ai đó mách cho cô đến đây. Cô Hiền cũng bị bệnh giống như bà Sáu, vậy là bà bốc thuốc cho cô ấy uống. Sau một năm thì cô ấy hoàn toàn bình phục, chồng cô ấy nhiều lần đến để đưa tiền, nhưng ông bà nhất định không chịu lấy, vậy là ông đó đành phải mua quà đến tặng cho ông bà, còn kết thân với gia đình bà, mỗi lần đến bao nhiêu những thứ lặt vặt trong nhà như dầu ăn mì chính xà bông đều ông ấy mang đến cho. Ông cũng có nhiều người bạn cao cấp khác như một giám đốc ở khu công nghiệp Sóng Thần thành phố Hồ Chí Minh là một. Vợ của ông bị sơ gan, bụng phình to, người nổi mụn, thế rồi cũng có người nào đó mách. Vậy là bà bốc thuốc và kết quả cũng khả quan, vợ ông ta lành bệnh, từ đó ông giám đốc này trở thành bạn của ông Quân. Thỉnh thoảng lại về đây nghỉ ngơi và ăn nhậu với ông…..
Tôi ráng nhớ và ghi lại câu chuyện của người thầy thuốc, con đường – cái duyên với nghề thuốc đến với bà như một định mệnh. Những con người dù không xuất hiện nhiều trong chuyến hành trình đằng đẵng của một đời người, nhưng có thể một trong số họ sẽ quyết định những bước ngoặt trong cuộc đời chúng ta. Và hôm nay, tôi kết thúc một ngày.